Thân tặng bạn đồng môn kiêm nhà thơ HTL
Đêm đã khuya, mưa vẫn rả rích ngoài khung cửa. Nghe mưa rơi mà nhớ “mưa khuya hắt hiu” trên đường phố Sài gòn năm xưa. Nhớ da diết đến không ngủ được. Tôi nằm im nghe giọng ca Sĩ Phú trầm buồn, sâu lắng, vang vọng trong đêm. Người cựu sĩ quan Không quân Việt Nam Cộng Hoà qua đời đã lâu; nhưng hôm nay, giọng hát vẫn khiến lòng tôi chùng xuống, cảm xúc tận cùng với bản Niệm Khúc Cuối của Ngô Thụy Miên:
"Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời /Dù cho
mây hay cho bão tố có kéo qua đây/ Dù có gió, có gió lạnh đầy, có
tuyết bùn lầy /Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi
vẫn yêu em…"
Bản nhạc làm cho tôi nhớ đến cuộc tình đằm thắm thuỷ chung của bạn tôi
với người vợ gốc Hoa. Để rồi sau gần năm mươi năm chung sống, Anh
đã đưa Nàng đến cuối cuộc đời!
Anh là bạn
đồng môn Học Viện Quốc gia Hành chánh của tôi, nhưng cho đến nay chúng tôi chưa
bao giờ gặp mặt. Chỉ vì anh là sinh viên niên trưởng vào trường trước tôi. Sau
khi tốt nghiệp, anh làm việc tại Sài gòn, còn tôi đi nhậm chức ở một quận xa
xôi miền biên giới. Cho đến khi sang tỵ nạn tại xứ sở Cờ Hoa này, chúng tôi mới
quen nhau, liên lạc thân thiết với nhau qua làn sóng điện thoại . Thân
nhau không phải vì tình đồng môn mà do duyên văn nghệ - với những bài văn, bài
thơ được chuyển qua email. Buổi sáng, tôi đi bộ tập thể dục và trao đổi những
mẩu chuyện về văn chương, về những kỷ niệm thời còn làm việc dưới chế độ Việt
Nam Cộng Hoà. Anh cho biết vì phải chăm sóc người vợ hiền bị bệnh mất trí
nên bận rộn suốt cả ngày. Năm năm quấn quít với nhau như hình với bóng. Rồi
bỗng một hôm, tôi nhận được email của Anh với hàng chữ ngắn ngủi: “ Vợ
tôi mất rồi anh ơi!:”
****
Anh chị quen nhau, rồi bắt đầu thiên tình sử đầy gian nan, trắc trở từ ngày anh
còn là sinh viên Hành chánh Sài gòn. Hôm ấy anh đưa người em trai đi thi vấn
đáp Tú Tài 1 tại trường Gia Long. Trong lúc chờ đợi, anh trông thấy người con
gái quay mặt vào bức tường mà khóc. Bạn tôi vốn giàu lòng nhân ái, đến
hỏi lý do để an ủi. Cô gái cho biết bị trượt vấn đáp, chỉ vì một câu hỏi
về địa lý mà cô không trả lời được! Bạn tôi hỏi số thí sinh, rồi vào gặp vị
giáo sư đã từng dạy Anh ở trường Petrus Ký để xin giúp đỡ. Kết quả, cô gái được
chấm đậu kỳ thi Tú Tài Một năm ấy. Cô vui mừng cám ơn ân nhân. Anh hỏi tên để
làm quen. Cô cho biết họ và tên- nhưng không có tên lót “thị”. Anh nghe như có
âm hưởng của một “cô nương Hoa kiều” ở Chợ Lớn.
Trời Sài gòn hôm ấy đang nắng bỗng đổ mưa. Người ân nhân của cô Tú tân khoa cảm
thấy vui trong lòng. Anh nhớ đến câu thơ của thi sĩ Nguyên Sa “ Em chợt đến chợt đi
anh vẫn nhớ, trời chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu..”; và anh
bỗng thấy quyến luyến với người đẹp mới quen! Họ đứng nép vào bờ tường trường
Gia Long, trò chuyện. Họ chờ cơn mưa dứt hạt; và cũng chờ tình cảm bắt đầu chớm
nở trong lòng nhau!
Cô gái về nhà bày tỏ niềm vui thi đậu với Mẹ. Cô rụt rè bày tỏ với Mẹ niềm khâm
phục vị ân nhân người Việt đã giúp cô đạt kết quả đáng mừng đó. Trong bữa cơm
gia đình, người cha Hoa kiều không đồng ý cô gái cưng quen thân với một “Ố Nàm
Dành”- dẫu anh chàng “người Nam đáng ghét” ấy là ân nhân giúp con gái ông thi
đậu! Nhưng cô con gái ông lại thấy anh chàng Việt thật đáng mến, nhất là khi cô
biết anh đang học ở một ngôi trường đào tạo những công chức cao cấp mà cô hằng
ngưỡng mộ! Cô mượn thẻ Sinh viên của Anh để về trình với gia đình. Quả nhiên,
khi người mọi người nhìn thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ in trên tấm thẻ, với hàng
chữ đậm nét “Việt Nam Cộng Hoà” thì anh chàng “Ố Nàm Dành” có hình trên tấm thẻ
trở nên “Ái Nàm Dành” dưới mắt họ!
Sau bốn năm học vấn, Chàng tốt nghiệp Học viện Quốc Gia Hành Chánh, Nàng cũng
trở thành cô Tú toàn phần và đang làm việc tại một ngân hàng tư ở Sài gòn. Đám
cưới đôi vợ chồng Việt Hoa ấy được tổ chức khá linh đình nơi một nhà hàng lớn ở
Chợ Lớn - một China Town ở Việt Nam thời bấy giờ. Lúc ấy Chàng tòng sự
tại một cơ quan an ninh thuộc phủ Tổng thống. Nhưng vì nghiệp vụ bắt buộc, nên
phải giữ bí mật với tất cả bạn bè, với gia đình- kể cả cô vợ mới cưới. Lương
công chức khá khiêm nhường, nên với văn bằng cử nhân văn khoa, Chàng đi dạy
thêm ở một trường tư công giáo vào cuối tuần. Học sinh rất kính nể và thương
mến thầy giáo. Thỉnh thoảng chúng được đến nhà thầy để cô đãi cho bữa cháo gà
thơm ngon! Tuy nhiên, hàng xóm lại tỏ ra thắc mắc vì hàng ngày có công xa đến
đón thầy giáo đi làm,
Đôi vợ chồng trẻ thỉnh thoảng về thăm gia đình bố mẹ người Hoa. Nàng chỉ các cô
em gái, tâm sự với chồng:
-Em may mắn lấy người Việt như anh. Lấy chồng Hoa , suốt đời chỉ bán hủ tiếu,
hay bán chạp phô thôi chớ biết làm gì cho an nhàn, danh giá như em!
***
Tháng Tư năm 1975, Miền Nam trở thành “bên thua cuộc”. Hàng ngày tiếng loa vang
vang khắp phố phường, kêu gọi sĩ quan, công chức cấp cao trình diện “học tập
cải tạo”. Chàng mời người anh vợ đến nhà, nhờ trông nom vợ mình và các con thơ:
-Thưa anh hai, tôi đi học tập chắc lâu lắm mới về, nếu họ không gi ết để trả
thù món “nợ máu với nhân dân”!
Cả người anh vợ lẫn vợ Chàng kinh hãi hỏi vì sao, Chàng im lặng hồi lâu ,
đáp:
-Xin thú thật với anh Hai và Em, tôi là công chức cao cấp của cơ quan tình báo
VNCH, thuộc phủ Tổng thống. Lâu nay tôi phải giữ bí mật vì nghiệp vụ bắt
buộc. Nếu họ điều tra ra sự thật, tôi sẽ bị kết tội nặng, nhưng đành chịu thôi!
Tôi chỉ lo cho vợ và các con ở nhà. Vậy xin anh Hai thỉnh thoảng ghé chăm nom
vợ con tôi, tôi đội ơn anh lắm!
Anh và các bạn đồng tù cựu công chức cao cấp của Miền Nam bị còng tay đưa
xuống tàu ra Bắc. Họ đã trải qua nhiều nhà tù, chịu nhiều đày ải cay đắng hơn
mười năm. Chị gởi con cho người anh ruột trông nom, một mình lặn lội đi thăm
nuôi chồng đôi ba lần trong thời gian ấy. Về sau, khi được về với gia đình, anh
viết lại cảm xúc khi nhận được gói quà thân yêu khi vợ đến thăm trong trại tù
CS và đọc cho Chị nghe:
….Từng viên thuốc nhỏ của em cho
Như có tình thương tiếng dặn dò
Đây chai thuốc bổ trăm viên chẵn
Cố gắng em mua chắc mệt phờ….(HTL)
Chị im lặng lắng nghe mà rưng rưng nước mắt.
**** Bắt đầu năm 1990 , Chương trình định cư HO được chính phủ Mỹ ưu tiên dành
riêng cho những người thuộc chế độ cũ Miền Nam Việt Nam. Họ được di cư sang Mỹ
công khai hợp pháp. Điều kiện tối thiểu là đã ở trong các trại “cải
tạo”của CS ít nhất 3 năm. Gia đình Anh cũng được chấp thuận đi định cư tại một
tiểu bang ở Miền Tây Hoa kỳ. Trong cuộc sống hoan lạc ở xứ sở Tự do, họ cố gắng
làm việc, xây dựng nên một mái nhà êm ấm, các con lần lượt ra đời nơi miền đất
thanh bình này. Họ bắt đầu có những Ngày Hạnh Phúc- như tựa đề bài ca của nhạc
sĩ Lam Phương :
"…Từ khi sánh vai nên đôi bạn hiền/ Đêm về nghe con khóc vui triền miên/Lời ru
trong đêm vắng, với tình thương chứa chan/Còn mong ước gì, vì ta vẫn bên
nhau….."
Họ nuôi một chú chó nhỏ để chơi đùa với các con. Nó cũng hợp với sở thích yêu
thương gia súc của Chị. Chú chó rất quyến luyến với bà chủ giàu lòng bác ái.
Đêm đêm con thú cưng nằm dưới chân giường của họ. Khi chị ra vườn, chú
chó nhỏ chạy theo quấn quýt bên chân…
Thế rồi mây đen bất hạnh bắt đầu xuất hiện trong căn nhà đầy ánh sáng hạnh phúc
của họ. Chị bắt đầu lãng trí, nói trước quên sau. Để rồi dần dần quên tên, quên
mặt các con- ngoại trừ người chồng luôn ở bên cạnh Chị. Anh bận rộn săn
sóc Chị suốt ngày, không dám rời năm ba phút. Bận rộn cho người bệnh ăn sáng,
phụ giúp tắm rửa, cho uống thuốc. Thậm chí, ban đêm anh phải buộc một sợi dây
vào cổ tay hai người. Chỉ vì anh sợ khi ngủ quên, bất thình lình chị mở cửa đi
ra ngoài như người mộng du!
Các con thấy Ba quá mệt nhọc, gầy ốm do thiếu ngủ, thiếu nghỉ ngơi, bèn xin đưa
Mẹ vào bịnh viện. Anh cương quyết từ chối. Anh bảo: “Năm xưa Ba đi tù đất Bắc,
Mẹ đã nuôi nấng các con. Rồi Mẹ còn lặn lội đi thăm nuôi Ba ròng rã hơn
mười năm, không một lời ta thán! Bây giờ Mẹ bị bệnh, nếu đưa vào nhà thương cho
người khác chăm nom, làm Sao Ba đành lòng cho được?”
Trong bài Màu Tím Hoa Sim, nhà thơ Hữu Loan viết:
"…Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương…"
Anh bạn
đồng môn của tôi đã không chết sau hơn mười năm trong trại tù CS. Nhưng
khi sang định cư ở đất nước văn minh tiên tiến như Hoa kỳ, người vợ hiền của
anh đã kéo dài cuộc sống trong bóng tối âm u của kẻ mất trí nhớ. Để rồi cuối
cùng đành chết trước sự bất lực của Y khoa, trước nỗi buồn đau của chồng con.
Đám ma của Chị diễn ra trong mùa đại dịch Covid-19. Thật âm u vắng vẻ , thật u
buồn. Sau khi chôn cất vợ trong một nghĩa trang gần nhà, cuối tuần anh cùng các
con đến viếng thăm. Có những chiều buồn nhớ Chị, Anh hái những bông hoa trong
vườn nhà, mang đến cắm trên mộ người vợ mà anh đã đưa Nàng đến cuối cuộc đời.
Anh ngồi đó, đem bài thơ vừa mới sáng tác, đọc lên với cảm giác chị ngồi
bên cạnh lắng nghe, như lúc Anh mới từ ngục tù CS xứ Bắc trở về:
Lá vàng lác đác trên sân
Lòng tôi bất chợt bâng khuâng nhớ Người.
Người đi xa khuất bên trời
Tôi ngồi đếm lá thu rơi một mình. (HTL)
Chiều thu chớm lạnh, sương bắt đầu thấm ướt đôi vai của người lão niên. Anh
quay nhìn ngôi mộ như chào tạm biệt. Chú chó nhỏ vẫn còn nằm ghếch mõm
trên nấm mộ bà chủ thân yêu. Anh giục mãi, chú chó đứng dậy đến liếm những cánh
hoa tươi trên mộ - như chú từng hôn lên khuôn mặt bà chủ lúc sinh thời. Đoạn
cúi đầu ủ rũ theo ông chủ về nhà.
Trời sắp tối, những con chim di thê bay qua kêu lên áo não. Anh nhìn lên bầu
trời tím thẫm, ngâm nga những vần thơ tâm sự như lúc chị lúc còn sống hạnh phúc
bên Anh:
Chung quanh vắng vẻ lặng thinh
Nhớ sao nhớ quá!- nhớ Mình khôn nguôi!
Ngày xưa chung bước mà vui
Khi trên bãi biển, khi đồi hoàng hôn
Giờ đây lá đổ thu buồn
Tôi đang lỡ bước giữa đường vàng thu! (HTL)
Tam Bách Đinh Bá Tân
Rất cảm động trước tình yêu của anh Hàn Thiên Lương đối với chị nhà.
ReplyDeleteNguyện cầu hương linh chị được tiêu diêu thanh thản bên kia cõi vĩnh hằng.
Thành kính phân ưu cùng anh Hàn Thiên Lương.
NPN
trăm năm còn có gì đâu
DeleteChẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!
ReplyDeleteTruyện tình buồn !!!
Xi n thành kính chia buồn với anh Han Thien Lưong về sự ra đi của chị nhà. Một tình yêu thật đẹp qua những thăng trầm cuộc đời. Kính hương hồn chị sớm về cõi vĩnh hằng ạ
ReplyDeleteHồng Thúy