Tôi không nhớ quyển
sách nào có bài học Anh ngữ gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi, đó là bài
nói về cầu Golden Gate ở San Francisco. Cầu được bắt đầu xây cất vào năm 1933,
dưới thời Tổng thống Roosevelt. Bốn năm sau, 1937 mới hoàn tất. Đây không phải
là một cây cầu dài, vì nó chỉ có 2.737m. Bề ngang 27m, nhưng việc đáng nói là
chiếc cầu nặng 811.500.000 kg được treo trên 2 dây cáp. Cây cầu treo bằng 2 dây
cáp chính buộc chặt ở hai đầu cầu rồi gác lên trên 2 tháp cao ngoài biển, mà
đỉnh tháp cách mặt nước tới 227m.
Từ cầu xuống nước là 67m.( Treo vì muốn nâng cao để tàu lớn giao
thông qua lại. Đây là hành lang thủy đạo nối liền Thái Bình Dương với vịnh Cựu
Kim Sơn). Sợi dây cáp có đường kính 0m92 được bện bởi 61 tao kim khí, do 27.572
sợi thép kết lại. Chiều dài của dây kim loại dùng trong 2 dây cáp là 129.000 km
và chỉ nội công tác bện 2 dây cáp này đã mất 6 tháng, 9 ngày. Để sơn cầu, phải dùng
hết 37.800 lít sơn màu cam. Ngày khánh thành 26.5.1937 chỉ cho người đi bộ qua
cầu thôi. Trên 200.000 người đi qua trong 12 giờ đầu tiên.
Ngày hôm sau tới phiên xe hơi, trong ngày đếm được 32.300 chiếc.
Kỹ sư trưởng đảm nhận công trình xây cất là Joseph Baerman Strauss và cũng là
người đã suy nghĩ suốt 22 năm để vẽ ra kiểu mẫu cây cầu. Sách cho rằng Golden
Gate là một công trình có kiến trúc kỹ thuật xuất sắc, hoành tráng, hùng vĩ và
được yêu chuộng nhất của nước Mỹ. Lại thêm ông thầy Anh văn là người đã du học Mỹ,
từng tham quan Golden Gate "tán" thêm vào, khiến tôi hạ quyết tâm phải
đến đó cho bằng được.
Tôi có tên chuẩn bị đi tu nghiệp ở Nữu Ước 2 năm Tháng 6 -1975 mới
đi, tháng 4 miền Nam đã sụp đổ. Mộng tham quan Golden Gate của tôi tan tành
theo vận nước.
Năm 1979, vợ chồng tôi và đứa con gái đầu lòng mới 9 tháng bị ở
tù vì tội vượt biên tại huyện Châu Thành, Bà Rịa. Được thả ra, tôi lại tiếp tục
tính chuyện ra đi. Khi tôi làm chủ ghe, khi làm tài công, lúc làm chủ bãi, lúc
mua vé...19 lần thất bại, nhà tan cửa nát. Ông hàng xóm quen một đường dây đi bộ
qua Kampuchia. Nhiều chuyến đã tới.
Vì đi học tập mới về, còn bị quản chế, mọi di chuyển đều gặp khó khăn. Cho nên ông đề nghị cho tôi mượn tiền, với điều kiện dẫn Lộc, con trai 10 tuổi của ông cùng đi. Vùng trước cho người dẫn đường 5 chỉ để dẫn qua Miên. Khi tới Thái Lan, người tổ chức sẽ lấy mật mã từng người đem về Việt Nam, người nhà sẽ thanh toán. Ông hàng xóm bảo đảm sẽ trả giúp, và thân nhân của tôi ở nước ngoài cũng cam kết trả lại cho thân nhân của ông ở Canada 3.000 mỹ-kim.
Lần thứ 20, tôi ra đi một mình vì không còn khả năng đài thọ vợ
con. Nửa chỉ vàng cuối cùng là chiếc nhẫn đính hôn, vợ tôi trao cho tôi để phòng
thân. Tôi để lại nhà vì thật ra không biết sống chết thế nào. Dù sao nhờ nó, 4
mẹ con ở nhà cũng có cái ăn được đôi ba tuần để chờ tin tôi.
Lộc và tôi rời nhà vào
ngày 16/7/1987. Người Miên dẫn đường phát cho chúng tôi một ít tiền riel. Y lên
xe nào, chúng tôi lên xe đó. Y xuống đâu, chúng tôi xuống đó. Xuống Châu Đốc,
qua phà, rồi đi thuyền dọc sông Mékong. Gần tới biên giới, lợi dụng đêm tối
trăng, theo đường tắt băng qua rừng. Bỗng nhiên có tiếng chó sủa. Lúc đầu một
con. Dần dà 4, 5 con sủa inh ỏi chạy phía sau. Tôi than thầm khổ mạng. Chắc
chắn là chó của công an biên phòng Việt-Nam. Bị bắt lại lần này, ở tù lâu lắm.
Trong tột cùng vô vọng, tôi quay phắt lại chỉ đám chó:
- Đứng lại. Tao không
ăn thịt chó, tụi bây không được hại người!
Tự nhiên đám chó chúc
cái mõm lên cao rồi gừ gừ đứng lại. Lộc nói:
- Phép chú Mai ngầu
quá.
- Phép khỉ gì, đi lẹ
lên.
Lọt qua biên giới, người dẫn đường đón chiếc xe Daihatsu . Chúng
tôi vào thủ đô Phnom Penh. Họ ếm chúng tôi trên lầu cùng với mười mấy người khác.
Ban tổ chức dặn dò không được đi đâu, nhưng tôi cũng trốn ra tìm tới ông cậu vợ,
người Long An đi tập kết về đang làm chỉ huy trưởng kiểm soát quân sự, (tức là
quân cảnh) để xin theo xe bộ đội đi Siem Riep. Mục đích là để tham quan đền Đế
Thiên Đế Thích. Sợ rằng chuyến đi này chưa chắc còn sống để trở lại Miên, nên
đánh liều để xem cái kỳ quan thế giới này ra làm sao. Mấy ngày sau trở về, mới
biết lẽ ra nhóm chúng tôi đã lên đường, nhưng còn thiếu người.
Họ phải thế cái nhóm ở Sài Gòn mới qua, vì nhóm này đã gom đủ.
(Sau này khi qua tới Thái Lan, mới biết nhóm 30 người ấy đã xuống thuyền rồi, nhưng
mất tích vĩnh viễn luôn!). Một ngày trước khi xuất phát, nhóm chúng tôi được dặn
dò kế hoạch ra đi. Khi giới nghiêm chấm dứt lúc 5 giờ sáng, từng 2 người một mở
cửa bước ra đường đón xe xích lô đi chung. Xe này đi xong, 2 người khác mới bước
ra đón xe tiếp, không ra đông người sợ bị lộ. Các thanh niên rời nhà lên xe. Tới
phiên tôi và Lộc đi chung. Tôi đón nhằm một ông già. Chiếc xích lô của ông rít
lên cót két rồi lẹt đẹt phía sau. Những người kia đón nhằm thanh niên sung sức,
nên họ đạp xe bon bon đi xa mất dạng.
Sương mù dày đặc không
trông thấy gì hết. Tôi hoang mang vì làm sao thấy được cây cầu mà xuống xe. Đã
40 phút rồi mà tứ bề sương giăng mù mịt. Tôi bảo Lộc ráng nhìn bên trái, tôi
nhìn bên phải để tìm cây cầu. Tôi cố mở to mắt nhìn xuyên qua màn sương. Bỗng
tôi thấy một cô gái mặc áo dài trắng băng qua đường. Làm gì trên đất Miên lại
có con gái mặc áo dài trắng. Tôi hỏi:
- Lộc có thấy một cô
áo trắng đi ngang qua không?
- Có thấy ai đâu chú
Mai!
Nhanh như cắt, tôi đưa
tay ra dấu dừng xe. Tại sao? "Vì ...
******
Năm 1963, tôi đến quận Hòa Vang, để thị thực các bản sao bằng Tú
tài 1. Lúc vào lại thành phố Đà Nẵng, trời đổ mưa. Cơn mưa mùa hạ trút xuống như
cầm chỉnh đổ. Bên tay trái tôi là dãy núi Phước Tường. Nước trên núi tràn qua
quốc lộ. Nước ngập luôn cái ống bô của chiếc xe gắn máy hiệu Suzuki dame. Bu ji
ướt, xe chết máy. Tôi đành dầm mưa chịu trận. Khi mưa tạnh đã 6 giờ chiều. Bấm
nút démareur, xe vẫn không nổ. Nhờ đám trẻ chăn trâu nhào vô đẩy dùm rất lâu xe
mới chạy được. Gần tới Ngã Ba Huế, tức là ngã rẽ bên trái sẽ ra Huế, cách
120km. Quẹo phải 5, 7 cây số là vào Đà Nẵng.
Nơi ấy có một cây cầu,
người địa phương gọi là Cầu Đỏ. Từ xa, tôi đã thấy một nữ sinh đứng đón xe ở
đầu cầu. Ở ngoài Trung, đồng phục nữ sinh là áo dài trắng. Cô gái mặc quần
trắng, đội nón lá, chân đi guốc, tay xách cặp đen. Tôi nghĩ bụng nếu là xe ra
Huế, sẽ không bao giờ chịu dừng lại để chở học sinh một đoạn ngắn. Còn nếu xe
Hội An, Tam Kỳ ra, thì sắp đến bến xe rồi, họ cũng không rước khách chỗ này.
Trời sắp tối, đi bộ cũng xa lắm. Tôi dừng xe lại hỏi:
- Em về đâu? Nếu quẹo
trái ra Nam Ô thì không tiện đường. Quẹo phải vô Đà Nẵng thì quá giang được.
- Dạ em về ngã tư
Thanh Khê.
Tôi mừng rỡ:
- Được. Lên xe đi.
Cô gái rụt rè leo lên
ngồi ở phía sau. Một tay ôm chặt cặp da, tay phải vòng qua eo ếch của tôi. Xe
chạy từ từ. Tôi hỏi:
- Em tên gì?
- Dạ Đ.T. Mỵ.
- Em học lớp mấy,
trường nào?
- Dạ lớp đệ lục trường
Hòa Vang.
Mỵ còn nói lí nhí gì
thêm, nhưng tôi đã chạy nhanh, gió tạt không nghe rõ. Chưa tới 10 phút, Suzukie
đã tới Ngã Tư Thanh Khê. Tôi dừng lại, hứa hẹn. Chiều mai thứ bảy, nghỉ học,
anh có xe đạp, sẽ về An Ngãi. Có gì anh sẽ ghé nhà em chơi. Bây giờ tối rồi,
anh phải đem xe về trả cho ông anh đi trực. Mỵ nói:
-Nhà em dễ tìm lắm. Đi
vô hết con đường đất ni. Gặp một ngã ba, thấy mấy cây dừa lửa thì quẹo phải.
Đi tiếp, hồi mô thấy
cái nhà có bồn gỗ đựng nước mắm ở trước sân là tới.
Chiều thứ bảy hôm sau,
theo đúng lời chỉ dẫn của Mỵ, tôi dắt xe đạp tìm đúng nhà không mấy khó khăn.
Tôi dựng xe, tựa vào bồn nước mắm trước sân và bước vào nhà. Căn nhà tranh vách
đất. Giữa nhà có chiếc bàn gỗ, trên bàn có bát nhang, hai bên có một nải chuối
và một bát cơm có cắm đôi đũa. Trên bát cơm có quả trứng. Nghe tiếng tôi gọi,
một người đàn bà bước ra từ phía sau. Bà hỏi:
- Thầy tìm ai?
- Dạ cháu hỏi thăm, có
phải nhà Đ.T. Mỵ đây không?
- Dạ phải. mà thầy dạy
trường của cháu hả?
- Dạ... không!
- Vậy cậu là bạn học ở
trường Hoà Vang hả?
- Dạ cũng không phải.
Chiều hôm qua, cháu lên quận về, gặp Mỵ đứng đón xe ở Cầu Đỏ, sẵn có xe gắn
máy, cháu cho quá giang chở về đây. Mỵ có chỉ nhà, chiều ni nghỉ học, cháu đi
An Ngãi, nên ghé vô thăm rứa thôi.
Người đàn bà oà lên
khóc:
- Cậu ơi! Con tôi bị
xe Mỹ cán chết rồi cậu ơi! Trưa hôm qua, tôi mở cửa mả cho hắn đá. Tan học về
hắn đi xe đạp ngang qua chỗ Cầu Đỏ, gió thổi lật cái nón che mặt không thấy
đường. Xe đạp quờ quạng, chao đảo giữa đường, bị xe cán chết ngay chỗ cầu đó.
Người đàn bà tiếp tục
kể lể bi thiết, đau thương:
- Mẹ chỉ có mình con,
con ơi. Con chết bỏ mẹ con ơi...
Lúc ấy tôi mới nhìn kỹ
khung hình để đằng sau bát nhang. Đúng là Mỵ rồi ! Đôi mắt đẹp như đang nhìn
tôi ngơ ngác, thăm thẳm. Tôi bủn rủn tay chân, cố gắng lắm mới lấy được bó
nhang trên bàn đốt lên 3 cây và thầm khấn:
- Mỵ ơi. Em đã chết
thật rồi. Trong cõi u minh, thần thức của em cứ tưởng mình còn sống. Hãy về với
thế giới tâm linh huyền diệu của em. Đừng gặp ai nữa. Anh sợ lắm. Anh sẽ tụng
kinh cầu siêu thoát cho em.
Rồi tôi đã giữ lời hứa đó sau nhiều năm...
*****
Tôi đưa tay ngăn ông già
dừng xe lại, vì liên tưởng tới Mỵ 24 năm trước. Tôi định thần độ 5 phút sau.
Qua màn sương tôi lờ mờ thấy quả có một cây cầu đúng như linh tính của tôi. Tứ
bề im phăng phắc. Tôi e dè bước tới gốc cây lớn bên đường. Lúc ấy tôi mới phác
giác ra chiếc xe molotova của quân đội, phủ một tấm bạt, đã nằm im lìm từ lúc
nào. Tôi vòng tới trước cabin bước lên thử nhìn vào trong. Tôi giật mình vì
trong tay lái đang có một gương mặt đen sì lỏ mắt nhìn ra tôi.
Tôi đánh liều hỏi đại:
- Chiếc xe này chờ
chúng tôi phải không?
Câu hỏi không được trả
lời. Tôi hỏi tiếp:
- Parlez vous
Francais? Do you speak English?
Tên lính Miên lắc đầu.
Vừa hồi hộp, vừa hoang mang, tôi đáo ra sau dở tấm bạt thò tay vào trong, thì
ra người ngồi lúc nhúc trong đó. Tôi hối Lộc leo lên và tôi cũng chui vào. Tôi
lên tiếng hỏi:
- Có Dung trong này
không?
Im phăng phắc. Vậy là nguyên toán mười mấy người cùng nhà với tôi đã không nhìn thấy cây cầu. (Về sau này, khi có liên lạc, mới biết nguyên nhóm chạy mãi tới sáng thì bị công an Miên bắt, giao cho công an biên phòng Việt Nam.)
Chạy suốt ngày, đến chạng vạng thì dừng lại để tránh trạm kiểm soát cảng Kompong Som do bộ đội biên phòng Việt Nam trấn đóng. Tài xế đổ người xuống ngay chỗ một người Miên dẫn đường đã chờ sẳn. 25 người nhanh chóng lủi vô rừng đi thành hàng một, sau lưng người Miên. Người dẫn đường có buộc một ngọn đèn đi săn trên đầu để soi đường. Một tay cầm cái liềm để chặt những gai góc. Một tay cầm gậy thọc vào đám lá khô để tránh những vực sâu. Vài người rú lên sợ hãi khi thấy bộ xương nằm gục bên đường. Hai lần trông thấy hai bộ xương đều không có đầu ! Nửa đêm bỗng nghe tiếng á...á... dài, rồi tiếp theo là tiếng ầm ầm.
Biết ngay là có người
ngủ gục, bước lọt ra khỏi dấu chân người đi trước và đã rơi xuống vực. Độ 2 giờ
sáng, lại thêm một tiếng á...ầm...ầm nữa. Có người làm dấu thánh giá. Tôi chấp tay
cầu nguyện cho hai nạn nhân xấu số. Ra khỏi rừng đếm lại, quả nhiên chỉ còn 23
người. Thoát khỏi rừng rậm, chúng tôi băng qua một đầm lầy. Người dẫn đường ra
hiệu cho biết có cá sấu, phải đi nhanh. Trời tối mịt. Thình lình, một ngọn đèn
pha phực lên rọi thẳng vào đoàn người chúng tôi. Sình lầy lún quá bắp vế, chúng
tôi đã bị du kích Khmer bắt trọn. Nhiều người đã xỉu ngay xuống sình. Bảy, tám họng
súng AK đen ngòm chỉa thẳng vào chúng tôi. Kẻ cầu Chúa, người niệm Quan Âm cứu
khổ để chờ chết. Thình lình, một tên ngửa cái nón sắt, nói lơ lớ không có dấu:
- Môt chi vang bo vo cai non sat, cho qua. Không có mot chi vang, chat đâu.
Mọi người đều hiểu hết
câu nói của y. (Một chỉ vàng bỏ vô cái nón sắt, cho qua. Không có một chỉ vàng,
chặt đầu!) Ai nấy đều run lẩy bẩy, moi móc đâu trong đồ lót, lấy ra ném vào nón
sắt. Tôi dắt tay Lộc lùi lại sau cùng. Nước mắt tuôn rơi. Nửa chỉ vàng cuối
cùng tôi đã để lại nhà. Vợ tôi sẽ đau lòng lắm khi biết tại sao tôi bỏ xác nơi
đây. Nhưng nếu tôi có đem theo cũng không giải quyết được vấn đề, vì nhận lời
ủy thác của cha mẹ Lộc, tôi không thể làm người, khi để cho nó chết.
Tôi thầm khấn:
- Mỵ ơi, đã làm ơn,
xin làm ơn cho trót. Có hiển linh, xin giúp anh thoát chết phen này.
Bỗng tôi đạp phải một hòn sỏi dưới bàn chân. Vừa niệm Quan Âm cứu nạn, vừa kín đáo dùng 2 ngón chân kẹp hòn sỏi đưa lên. Tôi vói tay nắm được hòn sỏi, chùi vào áo cho sạch sình. Một tiếng cạch trong nón sắt là một người được bước qua. Nắm hòn sỏi thật kín trong bàn tay, tôi bảo Lộc leo lên lưng cho tôi cõng để 2 người tính 1 và là người cuối cùng bước ngang qua cái nón sắt. Tôi nhanh chóng ném hòn sỏi vào nón. Một kiếng keng vang lên, và tôi cõng Lộc bước qua. Tôi vái van, xin sao đám du kích đừng vì thiếu mất một chiếc nhẫn mà đuổi theo. Nếu không thoát, tôi phải nhận tội để chết, chứ không thể gây họa cho người. Cuối cùng, chúng tôi ra tới bờ biển.
Không biết Mỵ đã cứu tôi hay hòn sỏi duy nhất giữa đầm lầy. Hai người Miên lực lưỡng lôi chúng tôi nhét vào dưới hầm ướp cá đậy nắp lại và ra khơi. Gió rất mạnh, có đến cấp 6. Trong hầm kín, người này ói lên đầu người kia. Mùi chua hòa với mùi mồ hôi nồng nặc xông lên. Mồ hôi bốc thành hơi nước đọng trên thành hầm, rồi nhỏ từng giọt cay xuống đám người chen chúc như cá mòi trong hộp. Tôi không bị say sóng, nên đủ sức đẩy nắp hầm và leo lên trên boong. Sóng đánh lên làm trơn trợt. Tôi cẩn thận men lần ra sau buồng lái. Tìm thấy nước, tôi uống một bụng thật no nê. Một sợi dây thừng nằm lăn lóc trên sàn. Tôi buộc chặt vào bụng và kiễm soát lại đầu dây bên kia. Tôi sợ bị sóng đánh văng xuống biển. Mỗi lần sóng tới, đầu mũi thuyền cất lên, chỉ ngay những ngôi sao nhấp nhánh trên bầu trời. Thuyền kêu răng rắc, bập bềnh. Sóng đi qua, mũi thuyền hụp xuống. Ruột gan tôi như muốn nhào lên để trào ra ngoài.
Thà chết sạch sẽ giữa trời cao biển rộng, hơn là chết thối trong hầm cá. Thuyền từ từ đi vào một đảo hoang. Thuyền mắc cạn, hình như tôi nghe chân vịt chạm mạnh vào đá. Hai người Miên lật đật chạy lại mở nắp hầm lôi mọi người lên và lặp đi lặp lại: "Thái lan, Thái Lan". Họ ra hiệu đòi mật mã. Mật mã của tôi là cái chứng minh nhân dân không đục lỗ. Nếu đưa lên thấy có một lỗ thủng trong tấm hình, vợ tôi sẽ biết là bị gạt, chưa tới Thái. Thu thập mật mã xong, người Miên buộc chúng tôi rời ghe. Họ vội vả quày trở ra biển để trở về Miên, vì sợ bị Thái tịch thu ghe. Có người không biết bơi còn trù trừ, bị xô xuống biển, đầu va nhằm đá ngầm, máu tuông xối xả. Cuối cùng nhóm người đói khát lạnh lẽo cũng dắt díu nhau lên được hết trên bờ. Sáng hôm sau, chúng tôi gom cành khô đốt lửa cầu cứu.
Ngoài khơi, một chiếc thuyền xuất hiện. Hy vọng chúng tôi thoát khỏi hoang đảo này. Thuyền cập vào bờ. Nhảy lên là 3 thanh niên mặt bôi đen tay cầm súng. Mọi người la lên "hải tặc" và bàn cách đối phó. Nếu chúng chỉ cướp của thì thôi, còn nếu mấy người phụ nữ bị hiếp thì nhóm đàn ông sẽ liều mình giật súng rồi dùng đá và cành cây chống trả.
Trong tích tắc, bọn hải tặc đã áp sát. Hai tên chỉa súng vào nhóm chúng tôi. Còn một tên dí súng dẫn từng người một ra sau một lùm cây, buột cởi hết quần áo cho nó xét. Chúng mò mẫm từng cái quần, cái áo để tìm của. Cái gì nó cũng lấy. Rất may là quần áo chúng tôi bị rách tả tơi hết nên nó cho lại để mặc lên người. Sau khi vơ vét, bọn hải tặc ra dấu bảo chúng tôi đi vòng qua đảo, rồi bọn chúng lên thuyền ra khơi. Chúng tôi đi tiếp theo hướng chúng chỉ. Không ai còn giày dép gì cả nên bàn chân rách nát, bê bết máu. Đến tối mới tới một xóm chài. Dân chài cho cơm cháo và trú ngụ qua đêm. Cảnh sát Thái đưa chúng tôi vào trạm KlongGiai ngày 1/8/1987. Một tuần sau, có xe chở vào trại tị nạn Panat Nikhom.
Ở trại mọi người đều thuộc nằm lòng câu "vượt biên có số, định cư có phần". Có người ôm cả đống giấy tờ chứng minh là sĩ quan cảnh sát, sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa... vẫn bị Mỹ từ chối. Tôi rét lắm vì không còn giấy tờ gì để chứng minh là thông dịch viên sở Mỹ RMK cả.
Tôi lên sơ vấn, rồi tái phỏng vấn. Người có quyết định tối hậu là ông Harris. Ông chỉ hỏi tôi có vài câu rồi đóng dấu "Approved". Tôi quá cảm động và mừng vui đến rơi lệ khi ông chìa tay bắt và chúc tôi được nhận vào Mỹ. Tôi quá ngạc nhiên với lối interview của Mỹ. Không phải như ở nhà, năm 1978, vợ tôi sanh con đầu lòng bị mất sữa, phải làm đơn xin mua thêm sữa bò. Trên đơn phải hội đủ 6 cái mộc, tức là 6 con dấu của 6 cơ quan. Điều đáng nói là cán bộ y tế bắt vợ tôi ra mua gói xôi ngồi ăn trước mặt họ. Nửa giờ sau, họ vắt thử xem có sữa không rồi mới chịu ký tên đóng dấu cho phép mua 12 lon sữa bò giá chính thức.
Rời Bataan, tôi đến Mỹ ngày 21/12/1988. Khi máy bay đáp xuống Los Angeles, lòng tôi dâng lên một niềm xúc cảm bàng hoàng. Cái xúc động tự nhiên của bất cứ người nào bắt đầu một cuộc đời hoàn toàn tự do trên một đất nước giàu mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, cái cảm xúc của tôi khi lần đầu tiên trông thấy cầu Golden Gate 31/12/88, lại mênh mông không diễn đạt được. Tôi dụi mắt để chắc chắn rằng không phải còn nằm mơ. Một giấc mơ dài suốt 26 năm từ khi học bài anh văn về Golden Gate năm 1962.
Vạn Lý Trường Thành cũng là một trong 7 kỳ quan của thế giới. Nhưng du khách hình như còn bồi hồi khi tưởng tượng cảnh núi xương sông máu của dân lành vô tội dưới ách bạo tàn của Tần Thủy Hoàng. Người Pháp cũng hãnh diện về tháp Effel của họ. Nhưng nếu du khách mãi ngước nhìn lên, đế giày sẽ dẫm phải "bom" của chó phóng uế bừa bải khắp nơi. Tham quan Eiffel, du khách nào cũng trải qua cái đau khổ khi cần đi tiêu, tiểu. Dù có người hướng dẫn, sẵn sàng mất tiền cũng rất bất tiện vì xa, mất thời gian.
Cao quá. Hùng vĩ quá, làm con người thành nhỏ bé như muốn bay bổng. Xe cộ lũ lượt nối đuôi nhau qua lại. Bộ hành cũng có chỗ tản bộ trên side walk rộng 3m ở hai bên thành cầu. Đủ loại y phục màu sắc đặc thù dân tộc được mặc trên người, đủ thứ ngôn ngữ khác nhau được nói qua đường. Chứng tỏ họ từ khắp mọi nơi trên thế giới. Dòng sinh động huyền diệu đó đã từng tồn tại từ ngày 26/5/1937 và tiếp diễn không ngừng nghỉ suốt 64 năm qua.
PHẠM ĐÌNH MAI
(Nguyên cựu GĐ Ngân
Hàng, vượt biển 20 lần mới thành công).
Ghê quá !!
ReplyDeleteÔng viết hay quá, không cần cho biết chức tước ngày xưa làm gì.
ReplyDeleteÔng đã đi tới Tháp Eiffel chưa ? Nếu ông cần toilet thì nó ở dưới hầm cách chân tháp không xa đâu. Nếu có hướng dẫn viên thì là hdv tồi, vì không biết chổ. Tôi đã tới tháp Eiffel nhiều lần nhưng chưa bao giờ dẫm phải bom như ông nói.
ReplyDeleteSố phận cậu bé tên Lộc cuối cùng ra sao? không thấy ông nói đến.
ReplyDelete