Chú Tám cầm tấm giấy đi lãnh đồ mà nước mắt rưng rưng. Vợ chồng
Chú từ ngày đổi đời tới giờ cứ trông đứng trông ngồi tin tức của đứa con
gái độc nhứt của mình. Mình già rồi, biết sống nay chết mai gì, mà sao sống cơ
cực quá. Mình như mặt trời xế bóng mà con cái thì biền biệt tăm hơi. Cầu mong
cho nó còn sống nó gởi thơ dìa để mình mừng, để coi bầy cháu ngoại bây giờ ra
sao. Nếu nó có dư giả gửi dìa chút đỉnh thì cũng tốt, bằng nó chưa khá, mà có
lòng tưởng tới mình thì gởi thơ cho biết tin tức không cũng được. Chú luôn luôn
nói với Thiếm như vậy, rồi ngày lại ngày hai vợ chồng ngóng thơ con. Mà ác ôn,
Cô Hai, con chú gần hai năm sau mới có điện tín về, gồm vỏn vẹn chỉ có hai câu:
“Cháu gởi lời thăm chú thiếm được bình yên. Tụi cháu luôn luôn nhớ chú thiếm.”
Dưới có ký tên thời con gái của cô Hai: Lê. Gặp Ông Bảy Năm Trên,
chưa kịp chào hỏi, chú Tám đã khoe mặc dầu trong cách nói chú làm ra vẻ trách
móc thở than: “Anh Bảy coi con Lê tui nó ác hông? Ai đời ra đi bỏ cha mẹ không
tin tức gì hết mấy năm trời, bây giờ gởi thư dìa cũng hà tiện chữ. Viết có hai
câu mà lại kêu bằng chú nữa.” Rồi chú chép miệng: Nó sợ cái gì kỳ cục vậy hỗng
biết! Con cái người ta thơ từ tin tức rần rần, nó thì không ơ. Mình muốn biết
tin tức của nó mà nó làm cái mửng nầy thì cũng như không.
Ông Bảy hỏi lại, coi bộ ông cũng mừng lây:
-Bộ con Lê nó gởi thơ về thiệt hả? Vậy tốt quá trời rồi.
Rồi ông nói luôn không để chú Tám kịp trả lời:
-Mà nó bây giờ ở đâu vậy. Bên Mỹ hả? Anh phục tài tui chưa? Hồi
đó tui quả quyết nó đi Mỹ mà hổng tin tui, anh cứ bán tín bán nghi. Hồi đó tui
nói như vậy cũng có lý do, hổng lẽ tụi nó chết mất xác cả hai vợ chồng với mấy
đứa con?
Chú Tám phân trần:
- Thì ai biết đâu nè! Sau vụ ngàn cân treo sợi tóc đó mà mình hổng
thấy tăm hơi gì tụi nó hết, thì nghĩ một là tụi nó chết hai là nó di tản rồi mà
không kịp báo cho mình. Anh nhớ không, hồi đó cách mạng pháo kích căn cứ
nó nát nhừ mà. Tui nghi tụi nó bị chết mất xác, anh nghi tụi nó đi Mỹ cũng hợp
lý thôi. Hổng lẽ anh trù ẻo con tui. Còn tui ngày nào cũng van vái cho anh nói
đúng. Bây giờ nó ở Mỹ, điện tín gởi từ bên đó dìa nè.
Chú Tám đưa cái điện tín ra để làm chứng. Tấm điện tín đã nhàu
nát vì chú móc ra móc vô nhiều lần. Ông Bảy liếc sơ qua rồi gật gù:
-Nó viết như vậy là nó khôn dàn trời rồi, nó sợ liên lụy cho anh
đó. Đời bây giờ cẩn thận là phải. Lỡ một cái là chết. Con nhỏ tính kỹ thiệt.
Ông Bảy khen không tiếc lời. Chú Tám nghe con được khen khoái
trong bụng, vỗ vai ông Bảy:
-Thôi dầu hèn gì cũng thể. Chiều nay anh qua nhà tui. Mình lai
rai ba sợi với đế quốc doanh chơi. Chút nữa tui về bẻ sẵn một mớ me dốt
để đưa cay. Cha, cây me sau nhà năm nay đậu quá, hổm rày tui nói dèm với bả
hoài mà bả làm thinh, bây giờ mình có cớ rồi: nhậu để mừng đoàn tụ.
Ông Bảy Năm Trên chặt ngang không vị nể:
-Đoàn tụ khỉ gì, mới có thơ chớ bộ nó dìa đây sao mà nói đoàn tụ.
Chú Bảy không giận trái lại còn vui vẻ:
-Thì mình nói bậy vậy mà, thấy thơ cũng như thấy người.
Rồi chú triết lý:
-Chết mới hết chứ còn sống là còn gặp. Trái đất tròn mà!
Chiều hôm đó ông Bảy Năm Trên được dịp khề khà ly rượu đế quốc
doanh đưa cay với me dốt để kể chuyện năm trên về thời con gái của cô Lê với
chú Bảy, làm như chú Bảy không phải là cha của cô Lê. Kể chuyện đã đời, ông Bảy
ngâm thơ ngang xương:
Chồng gần không lấy, lại lấy chồng xa
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm ai đỡ, chén trà ai bưng?
Rồi ông chép miệng:
-Hồi đó tới giờ tui ít thấy ông bà mình nói trật, mà từ hồi kẻ
khôn đi học, thằng ngu dạy đời tới giờ sao tui thấy nhiều chuyện ngược đời quá.
Lấy chồng xa vậy mà cha mẹ được nhờ. Nay gởi thơ mai gởi đồ. Cơm nước chè cháo
gì cũng có. Còn lấy chồng gần thì hi hi…
Một lúc sau ông nói thêm:
-Thằng cha Mỹ Phước chủ nhà thuốc Tây đằng chợ gả con cho khỉ
rừng xanh. Con lấy chồng gần mà có giúp đỡ gì được nó đâu. Vẫn bị đánh tư sản
như thường, nhà bị đuổi lên đuổi xuống nên nhờ thằng con rể. Nó lên mặt dàn trời.
Ai đời nó nói với ông già vợ mà nó nói trổng không. Con mình thì nó ngủ, mình
thì nó khi dễ. Thằng chả tức cành hông. Lâu lâu nó còn nẹo tiền sau khi bòn rút
đã đời tiền của con gái thằng chả. Đúng như ông bà mình nói vừa bị cướp
ngày, vừa bị cướp đêm.
Chú Tám vừa nhâm nhi vừa gật gù đồng ý. Chú thỏa mãn quá trời.
Con mình thì biệt tăm biệt tích vậy mà có thớ quá, mình được nhờ, mà không bị
mang tiếng gì hết. Như vậy là có phước dàn trời rồi còn gì. Hổng hơn mấy thằng
cha tính non tính già, đem con dâng cho tụi nó còn bị dằn vặt, bòn rút? Rồi chú
tự thưởng mình thêm một ly nữa. Rượu đế quốc doanh bậy bạ vậy mà khi vui
uống cũng bắt đáo để! Cắn vô nửa trái me dốt thì còn sướng hơn làm vương làm tướng.
Chú còn đang miên mang tận hưởng khoái lạc thì ông Bảy đập mạnh vô vai:
-Như vậy anh là người có hạng trong xóm mình đó nhé. Năm ngoái
thằng trưởng phòng công an phường với thằng tổ trưởng an ninh còn hăm he mấy
người có con di tản ra nước ngoài chớ năm nay thì hết rồi. Bây giờ nhà nước cần
những người như anh đó anh Tám. Tui nói rồi để anh coi. Hổng chừng rồi đây anh
được giấy ban khen cho mà coi.
Chú Tám thiệt thà không hiểu kịp lời ông Bảy Năm Trên nên hỏi lại:
-Bộ anh nói giả ngộ sao chớ, tui có biết cách mạng cách miết gì
đâu mà anh nói vậy! Đánh Tây thì tui mới hụ hợ có vài ba năm gì đó rồi thấy mấy
chả chèn ép quá trời tui bỏ dìa đây tới giờ. Đánh Mỹ thì tui còn bù trất hơn nữa,
có theo mấy chả hồi nào đâu, đã vậy mà con Lê….
Nói tới đây chú Tám nín ngang, ý chừng chú muốn nói con Lê với
chồng con đang ở Mỹ nhưng chú sợ vạ miệng nên thôi.
-Ấy, tui nói rồi anh coi hổng trúng phóc anh lấy cây anh đập lên
trên đầu tôi.
Ông Bảy Năm Trên xác nhận:
-Nhà nước bây giờ sau chiến tranh nên nghèo, lại bị tụi phản động
quấy phá trong nước không còn cho tiến lên xã hội chủ nghĩa. Phía Bắc thì bị bọn
bá truyền Trung Quốc hăm he, phía Nam thì bọn tay sai bạo quyền phát động chiến
tranh tiêu hao nên cần tiền ngoại tệ. Đâu có ngoại tệ để canh tân. Những người
như con Lê gởi tiền bạc, hàng hóa về không phải giúp nước thì là gì. Mà không
có anh thì sao nó gởi? Hỏi hổng phải anh có công sao? Không cấp bằng khen anh
thì cấp cho ai?
Chú Tám nghe có lý nên gật gù:
-Anh nói tui mới thấy. Vậy mà thằng tổ trưởng an ninh cứ nói mấy
thằng già tụi mình không còn lao động sản xuất được chỉ là tụi ăn bám. Tụi nó
ăn bám thì có. Lớ quớ tui thà chịu nghèo biểu con đừng gởi đồ dìa thì Nhà Nước
trơ mỏ. Tui nói dậy anh thấy phải không?
Tuy nói vậy, cái nghèo vẫn khiến chú Tám chờ đợi hằng ngày quà của
con gái gởi về. Từ đó một vài tháng chú nhận được một lá thơ của con. Mỗi lần như
vậy chú thiếm vui mừng hết cỡ, hết khoe người này lại khoe người kia. Và hôm
nay chú nhận được giấy báo nhận quà. Trong giấy ghi rõ chú lên Tân Sơn Nhứt
đúng tám giờ sáng để lãnh, và phải cầm theo sổ hộ khẩu.
Thiếm Tám phân vân hơi trỏng:
-Hổng biết con Lê gởi gì dìa đây? Vái trời nó khôn vong gởi mình
mấy thứ bán được kha khá tiền để mình xoay sở, chớ đừng gởi bánh trái, mắc công
đi lãnh hổng lợi ích gì.
Chú Tám rầy vợ:
-Bà sao nói năng hổng nghe lọt lỗ tai chút nào hết. Chuyện này
mà cũng vái cái gì. Đồ tới đây rồi đang nằm chình ình ở Tân Sơn Nhứt mà bà mới vái
thì bộ ông Trời ổng đổi được sao. Mà tui biết con Lê nó hổng đến nổi ngốc để gởi
dìa mấy thứ đồ mắc dịch mắc ôn đâu. Tui nói rồi bà coi có trúng phóc không cho
biết! Nó ở xứ văn minh chứ đâu phải xứ mạt rệp như mình vậy!
Thiếm Tám mỉm cười chịu đựng. Thiếm quá quen thuộc với cái tính
làm ông hoàng ông trắm với vợ của chồng từ ngày mới cưới tới giờ.
*
* *
Chú Tám xuống xe lam lúc trời mới còn tưng bửng
sáng. Cảnh vật chung quanh vẫn còn ngái ngủ sau một đêm dài. Mấy năm trước chú
có đi qua đây; chợ trời Lăng Cha Cả nhộn nhịp người mua kẻ bán, xập hàng tùm
lum tà la mà bây giờ coi trống trơn, lạnh lẽo làm chú khớp ngang, phân vân
không hiểu mình tới trúng chỗ không. Chú hỏi người tài xế xe lam cổng vô chỗ
lãnh đồ từ ngoại quốc gởi về.
-Bây giờ còn sớm, bác lại đằng đầu hẻm kia.
Anh vừa chỉ vừa cười:
-Chỗ đó trước đây là đường vào động của mấy chú GI ngơ ngác, chỗ
có mấy đứa nhỏ đi ra, đi vô đó đứng đợi, tới giờ sẽ có xe vô trỏng lãnh.
Chú Tám lững thững đi về phía có ánh đèn nơi anh tài xế xe lam
chỉ. Mấy đứa nhỏ chạy ra mời níu một cách thân thiện:
-Ông Hai ngồi đây đi ông Hai. Ăn miếng mì thịt nghe?
-Bác ngồi nghỉ đây, uống cà phê đi bác. Chưa tới giờ đâu!
Vài người đã tới trước giờ tò mò nhìn chú. Chú hỏi bâng quơ
không để ý tới lời mời mọc:
-Hổng biết chừng nào mới được vô hé?
Một bà nhanh nhẩu:
-Độ tám giờ thì có xe nhà nước cho vô, mỗi người góp ngàn rưởi
tiền tổn phí xăng nhớt.
Chú Tám nghĩ thầm:
-Bộ đây vô trỏng xa lắm sao cà? Từ Gò Đen lên đây mấy trận xe
lam mới hết năm ngàn. Ở đây vô trỏng nhà nước ăn ngàn rưởi thì chắc Tân Sơn Nhứt
này rộng lắm. Ừ mà phải rộng như vậy mới đủ chỗ chứa đồ gởi về. Biết bao nhiêu
người đi. Họ gởi đồ dìa, nếu chỗ nhỏ lấy đâu mà chứa?
Nhưng tánh tiếc tiền làm chú đặt câu hỏi:
-Mà bận ra có tốn tiền hông?
Chú chỉ thắc mắc về tiền phải trả chớ không thắc mắc về tiền có
thể trả. Tiền ăn uống là tiền có thể không cần xài. Chú nghĩ thầm: Mình ráng nhịn
lát nữa dìa ăn cho ngon.
Có tiếng một đứa nhỏ nào đó chẩu mỏ vô giọng đểu cáng.
-Hổng tốn cũng được nếu ông già chịu khó đi bộ, cha hà tiện
hoài. Mỗi lần lãnh được cả chục ngàn đồng, có vài đồng mà cũng tiếc!
Chú Tám giận cành hông nhưng chú làm thinh. Mình có nói gì đâu
mà nó dằn vặt mình vậy cà? Lại còn kêu bằng ông già này ông già nọ. Bộ mình
không đáng tuổi cha nó sao? Rồi chú lảng ra chỗ khác để lại sau lưng những tiếng
léo nhéo của mấy đứa nhỏ mất dạy:
-Hừ! Hà tiện gắt máu. Bữa nào cũng gặp mấy ông già nầy mở hàng
thì mắc phong lông hết trọi. Xui hôm qua tới giờ còn xui. Chắc phải đốt phong
lông mới được!
Chầu chực tới bốn giờ chiều Chú Tám mới được kêu tới nhận hàng.
Chú đang đói bụng dữ tợn. Từ sáng tới giờ có gì dằn bụng đâu. Chờ hoài chờ hủy.
Củ khoai mì ăn trước khi lên đường đã tiêu đâu mất rồi, làm cho chú thấy sự chờ
đợi là cả một cực hình. Chú nhớ tới lời ông Bảy Năm Trên: Ở nước xã hội chủ
nghĩa mình phải xếp hàng cả ngày. Đừng mất bình tĩnh, phải kiên nhẫn. Khi nghe
đến tên mình chú đâm lo. Hộp quà bự xộn được đẩy ra trước mặt chú, nó đẹp đẽ, sạch
sẽ nhưng có dấu mở ra và dán lại ở bên hông. Chú phân vân. Ai mở ra trước vậy
cà? Mình tính đem dìa vợ chồng cùng mở ra để cùng đoán coi con Lê nó gởi gì
dìa. Cho bả mừng vậy mà. Vợ chồng già lâu lâu chỉ nhờ có chuyện này để hủ hỉ với
nhau.
Tiếng người cán bộ, giọng Bắc, lạnh lùng trống không:
-Ký tên vào đây xác nhận đã nhận đủ và không có gì thắc mắc khiếu
nại!
Chú Tám cầm cây viết lên tính ký bỗng chú hỏi.
-Gói này của tui hả? Mà ai mở ra trước vậy?
Tên cán bộ trả lời quẹo đeo:
-Nhà nước! Bộ không muốn cho nhà nước xét hả? Biết đâu tụi nó
nhân mình cho gởi quà về cho vào đấy những món hàng phản động, chống phá cách mạng,
tuyên truyền sách động hay văn hoá đồi trụy.
Rồi hắn đánh đòn thực tế hơn:
- Thắc mắc hử? Ký vào chỗ này. Đi về chờ giải quyết sau. Chừng
nào ở đây giải quyết xong sẽ có giấy báo trở lại nhận hàng.
Chú Tám không dè câu hỏi của mình coi chơi chơi vậy mà đưa đến
cái khó khăn chú không lường trước được, có thể không nhận được quà hay có thể
mang tội tày trời nào chắc, chú bèn thả bàn toán Tàu trong đầu. Chú giả
lả:
-Đâu có! Tui hỏi cho biết dậy mà! Đâu.. ký ở đâu?
Tên cán bộ vẫn không đổi thái độ:
-Chỗ này. Nhưng phải đóng thuế đã. Thuế bảy trăm tám mươi nhăm đồng.
Tiền thuế chín mét hàng hai trăm bảy mươi đồng, mười hộp kem Hoa Lan hai trăm,
hai gói bột ngọt bốn chục, ba hộp sâm cao ly trăm rưỡi. Cộng với tiền thuế thuốc
linh tinh và tiền tồn kho sáu mươi nhăm, vị chi là sáu trăm sáu mươi nhăm đồng.
Có đem theo tiền không?
Chú Tám như rớt từ cung trăng xuống, chú chặc lưỡi:
-Chết hôn. Lúc đi mình cẩn thận đưa tiền bả giữ, mình chỉ cầm có
mười ngàn đủ tiền xe cộ bây giờ tiền đâu mà đóng thuế. Chú nặn trán suy nghĩ và
thất vọng. Giấy bảo lãnh chỉ biểu đem theo sổ hộ khẩu, đâu có nói đến tiền bạc
thuế má gì đâu. Chú đứng tần ngần mặt thộn ra.
Tên cán Bộ hỏi, giọng bực bội:
-Không có tiền hả. Khi nào có tiền trở lại. Phải đóng thuế mới
lãnh hàng ra được.
Rồi hắn đẩy gối hàng ra một bên, sửa soạn kêu tên người khác.
Chú Tám nhìn gói quà mà lòng đau như xé. Nó đó mà mình không nhận
được. Đúng như ông bà mình nói: Cơm đưa tới miệng còn chưa chắc được ăn. Nghe kêu
tên mình mừng thấy ông bà ông vải mà bây giờ phải xách đít về không hổng biết
chừng nào mới lãnh được. Chú đứng như trời trồng, nhìn chầm bẩm cái tên và địa
chỉ của mình trên gói hàng. Đúng là chữ của con Lê rồi. Bỗng nhiên Chú muốn ứa
nước mắt sống.
Tiếng tên cán Bộ kêu tên người khác rồi người khác làm Chú đau
lòng hơn. Họ kế tiếp nhau lấn Chú xa dần. Chú không còn biết đói bụng là gì. Mắt
Chú như bị gói quà thôi miên. Giờ đây nó đang từ từ cách rời xa Chú như lúc nhỏ
Chú chơi thả tàu ở ao, tàu bị nước đánh ra xa Chú chỉ biết nhìn mà không biết
làm gì khác hơn. Lúc đó Chú ước ao phải chi có ông tiên nào đi qua hóa phép cho
tàu Chú trở vô bờ lại. Bây giờ Chú lớn rồi, Chú không còn ước ao có ông tiên nữa,
nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn thôi. Chú chớp chớp nước mắt để nước mắt khỏi
trào ra. Lê ơi, con có biết cảnh nầy?
Có ai vỗ nhẹ vào lưng Chú:
-Chào Bác, Bác đi nhận hàng từ ngoại quốc gởi về hả?
Chú Tám không trả lời, Chú khinh khỉnh quay đi. Thằng hỏi dị hợm!
Ai vô đây chơi được? Ai ở không mà vô đây chơi?
Người thanh niên không giận vì thái độ giận cá chém thớt của
Chú, tiếp tục thân thiện:
-Cháu cũng đi lãnh quà mà chưa tới tên. Chú bị chuyện gì trục trặc
vậy?
-Họ biểu đóng thuế, mà tui không có đem theo tiền.
-Vậy hả? Mắc công quá há. Cháu cũng bị cảnh đó 6 tháng trước. Họ
biểu về đợi giấy báo lại lần nữa. Chờ 6 tháng nay mới nhận được giấy báo lãnh
hai ngày hôm qua. Họ bỏ hồ sơ mình xuống cuối.
Chú Tám làm mặt lanh:
-Bộ giống như đi mua hàng hợp tác xã vậy hả? Họ kêu tên mình
không có ở đó, họ để hộ khẩu xuống dưới chót. Bộ ở đây cũng làm như vậy hả?
Người thanh niên cười vui vẻ:
-Dạ Bác nói đúng? Ở đâu cũng làm vậy mà thôi. Nhiều quá họ đâu
có thì giờ làm giấy đi làm giấy lại hoài.
Rồi anh ta hỏi nhỏ:
-Mà Bác bị đóng thuế bao nhiêu?
-Tui nhớ không rõ, đâu hơn bảy trăm đồng mới, hổng biết bao
nhiêu đồng tiền mình. Tiền mới cũ tui lộn xộn lắm, tính không ra.
-Mà Bác có nghe Bác được gởi gì về?
Chú Tám buồn buồn:
-Nghe đâu như có 9 thước hàng và 10 hộp kem Hoa-Lan. Tui hổng biết
kem Hoa-Lan là kem gì. Hổng biết phải cà lem hông. Mà chắc hông phải đâu. Chảy
hết còn gì?
Người thanh niên bật cười:
-Đó là kem thoa mặt cho đàn bà. Nó là đồ mỹ phẩm. Thứ nầy đóng
thuế nặng nhưng bán ra chỉ có 2, 3 đồng thôi. Ai gởi cho Bác mà kỳ vậy? Sao Bác
không biểu họ gửi thứ gì về ít bị đóng thuế mà bán ra được khá khá tiền phải có
lợi hơn không?
-Vậy hả? Tui đâu có biết. Mà tui với bả đâu có cần thứ kem đó
làm gì? Bả già rồi. Hồi nào giờ Bả đâu có xức kem xức kiết gì đâu.
Rồi Chú từ giã:
-Thôi Cậu ở lại, tui dìa. Chờ sớm mơi tới giờ đói bụng muốn rã
ruột mà phải dìa tay không.
Người thanh niên chận Chú lại nói nhỏ:
-Cháu thấy Bác tội nghiệp cũng muốn giúp, nhưng mà số tiền nhiều
quá, gần bốn trăm ngàn lận. Mà Bác ở đâu?
-Tui ở Gò Đen. Xin giấy phép đi đường cũng hết một buổi. Chỉ đi
được có một ngày.
-Cháu ở Nhà Bè lận. Phải chi ở gần cháu đưa Bác mượn đỡ rồi một
hai hôm xuống thăm Bác nhận lại sau. Mình phải giúp đỡ nhau khi khó khăn túng
ngặt. Nhưng mà…
Anh ta chắc lưỡi, làm bộ suy nghĩ rồi ấp úng:
-Cháu đề nghị như vầy Bác nghe có phải không rồi quyết định sau.
Cháu đưa tiền Bác đóng thuế. Bác trả cháu bằng 5 thước hàng và mười hộp kem Hoa
Lan. Bác cho cháu một vài món thuốc tây. Cũng như cháu bán đồ dùm Bác vậy mà.
Bác hổng biết chứ đem ra chợ trời tụi nó mua rẻ mạt mà nhiều khi con bị gạt lấy
mất đồ nữa. Tụi làm ăn ở chợ trời hổng tin nổi đâu.
Chú Bảy suy nghĩ thật nhanh: Mình còn lại 4 thước vải, kem thì
mình hổng cần rồi, thuốc tây thì mình đâu biết thuốc gì trị bịnh gì. Thôi chịu
đại cho rồi. Nói qua nói lại hết thì giờ. Hổng biết chừng nào mới được kêu trở
lại lần nữa. Mỗi lần đi là mỗi lần khó.
* * *
Thiếm Tám mặt mày tươi rói ra mừng chồng!
-Dữ thần hông, đi lâu quá trời. Chờ muốn rục xương sống từ lúc 5
giờ sáng tới giờ.
Rồi Thiếm ước thầm trong bụng:
-Ưng ai nó gởi đồ dìa nhiều nhiều để vợ chồng già qua khỏi cơn
túng ngặt này.
Thiếm vừa đỡ gói đồ trên tay người chồng vừa nhìn Chú Tám áy
náy:
-Ông đi sao lâu dậy? Có mệt lắm hông? Cơm nước gì chưa?
Chú Tám không thèm trả lời, Chú quạu quọ bước vô nhà nhìn xéo về
cái lồng bàn đậy mâm cơm. Đói muốn rã ruột mà còn gặp chuyện buồn. Đồ con gái gởi
về bị chúng lấy hết phân nữa vì tiền thuế. Không biết thuế gì mà mắc dàn trời,
gần bốn trăm ngàn đồng bạc. Thiếm Tám lẽo đẽo đi theo chồng. Chú Tám nói mà
không quay lại:
-Đó Bà mở ra coi. Tui mệt quá rồi.
Thiếm Tám vừa cười mỉm mỉm vừa lắc gói hàng. Bỗng Thiếm kêu giựt
ngược:
-Ông ơi, sao lỏng lẻo vậy nè?
Thiếm Tám trả lời luôn:
-Bộ họ ăn bớt hả?
Chú Tám biết chuyện này rồi, Chú bực mình quay lại chưa kịp trả
lời thì có tiếng khàn khàn của tên trưởng phòng công an xã trước cửa:
-Có Chú Tám Thiếm Tám ở nhà không?
Chú Tám nói thầm thì với vợ:
-Không biết có chuyện gì mà thằng này nó kiếm mình giờ nầy?
Mấy thằng công an mà kiếm thì chắc là không có chuyện tốt lành
gì.
Chú nói lớn:
-Dạ có!
Hắn đon đả:
-À Chú Tám về tới rồi à!
Rồi hắn bước vào nhà không cần đợi mời. Mang tiếng trưởng phòng
công an như hắn mà phải lên tiếng trước khi vào nhà là nhẹ thể quá rồi. Hắn liếc
mắt lên gói quà nói giọng tấn ơn:
-Hôm qua Chú xin phép xin đi thành phố Hồ Chí Minh, thông cảm lắm
mới cấp giấy phép sớm. Bà con mình mà. Chớ người khác thì phải đợi cả tuần. Lúc
nầy công việc nhiều quá mà nhân viên thì bận công tác đột xuất hoài.
Chú Tám và Thiếm Tám trao đổi cái nhìn với nhau. Chú chỉ biết vuốt
đuôi trong khi chờ đợi nó muốn gì.
-Dạ tui xin cám ơn ông trưởng phòng.
Tên công an ngồi xuống cạnh đó, không kịp mời. Tự nhiên như
thanh niên Hà Nội. Hắn nói giọng chậm rãi vừa cố làm thân, vừa nói giọng của kẻ
cầm quyền ra lệnh.
-Lát nữa 7 giờ rưỡi, mời Chú đi họp tổ. Bữa nay có một đồng chí
trên quận xuống thuyết trình đề tài rất hấp dẫn: Đế Quốc Mỹ là con đỉa hai
vòi. Xin Chú đến đúng giờ. Tôi cũng có ở đó nữa.
Chú Tám cố nén cái thở dài, nói nhỏ xụi lơ:
-Dạ, ăn cơm xong tui sẽ đến.
Hắn làm bộ đứng dậy.
-Thôi tui về để Bác xơi cơm. Mà gói hàng đây à? Bác có thể mở ra
xem tí được không? Hàng bên Mỹ không tốt và bền bằng hàng của Liên Xô ta, tuy vậy
nó có cái mã bề ngoài đẹp đẽ. Tui muốn xem để chúng ta cùng chia vui vậy mà.
Mình ở trong một xã như ở trong một gia đình lớn.
Chú Tám ngần ngừ, đưa mắt hỏi ý kiến vợ. Thiếm Tám làm bộ không
thấy cứ tiếp tục đủng đỉnh sửa soạn lại hai đôi đũa trong mâm cơm. Hắn nói tiếp:
-Tụi Mỹ nó đểu lắm. Mình đánh với nó hơn hai chục năm nó mới chịu
cút đi mà vẫn chưa chịu bỏ cuộc, vẫn tìm cách phá hoại cách mạng. Tụi nó gởi tài
liệu chống phá cách mạng về mãi à! Tụi tui ở đằng cơ quan nhờ quần chúng giác
ngộ chỉ điểm đã phát hiện nhiều lần rồi.
Vợ chồng Chú Tám xanh mặt, thằng nầy muốn gì ở đây mà giở giọng
doạ nạt nói xa nói gần. Nếu người khác thì dễ đối phó. Chú tuy thiệt thà, nhưng
cũng đủ miệng lưỡi để đối phó, đằng nầy nó là xếp công an chỗ mình, đời thiệt
éo le. Lúc mình làm cách mạng thì nó chắc còn mũi dãi lùm tùm, ở truồng dòng
dõng tắm nước mưa. Mình đã thấm thía cái cách mạng đó nên rã hùn không
chơi nữa. Bây giờ nó nhơn danh bảo vệ cái cách mạng mình chối bỏ để dòm hành, bắt
chẹt mình… Chú không thèm dấu diếm tiếng thở dài, quay lại nói với vợ:
-Đâu Bà nó mở ra coi con nó gởi gì dìa, sẵn có ông trưởng phòng
đây đến chia vui với mình. Tui ăn qua loa ba hột cơm tối rồi còn đi họp.
Thiếm Tám trả lời hập hực, một thái độ ít thấy từ ngày cưới nhau
đến giờ.
-Thì ông mở hổng được sao, phải tui mới được?
Hắn ngó Thiếm rồi quay lại ngó Chú, chắc hắn giận lắm nhưng cố
nén. Hắn châm điếu thuốc Phù Đổng, hút một hơn dài để dằn cơn giận và lấy lại vẻ
tự nhiên.
Để không khí khỏi ngột ngạt, Chú Tám giả lả phân bua:
-Ông trưởng phòng thấy đó, nhiều khi bả chướng vô lý hết sức,
tui chịu đựng mấy chục năm nay rồi lận.
Hắn đỡ lời:
-Có lẽ Thiếm muốn dành cho Chú danh dự mở quà vì Chú có công lao
đi nhận lãnh về. Vậy cũng tốt thôi. Ta tranh thủ thời gian để còn đi họp. Buổi
họp tối nay quan trọng lắm ta không thể trễ được.
Gói hàng được mở ra, ba cái đầu chụm lại. Nhìn xuống đáy hộp khi
tất cả mọi thứ đều được lấy ra đặt lên bàn: xấp vải mỏng dánh, mấy gói thuốc
thông thường, 2 gói bột ngọt, 2 gói thuốc dán, mấy chai dầu xanh, một bao rau câu,
2 gói sâm Cao Ly, một lá thư, 2 hộp kem Hoa Lan.
Hắn cầm hộp đựng quà lên xăm soi:
-Cái hộp này chẳng có gì đặc biệt, chắc chẳng có gì dấu trong
đó. Hai hộp kem này tui đem về cơ quan nghiên cứu. Đời bây giờ gián điệp tinh
vi lắm. Gì cũng có thể ngụy trang được hết. Nhiều khi họ dấu dưới đáy hộp đồ quốc
cấm hay chuyển về đây hóa chất bí mật ngụy trang dưới hình thức mỹ phẩm. Khi
nào nghiên cứu xong, cơ quan sẽ gởi giấy mời Chú đến lãnh về.
Thiếm Tám bực mình nói cho hả tức:
-Tôi chắc chắn không có gì bất hợp pháp. Sau khi nghiên cứu
xong, ông trưởng phòng cứ liệng vô thùng rác, đừng tính chuyện gởi lại làm gì
cho mất công mất linh. Lần sau tui biểu nó gởi món gì có thể nhìn thấu qua được
để khỏi nhọc lòng ông trưởng phòng.
Hắn cố tình không hiểu:
-Vứt chi cho phí của giời, ta có thể cho vào hộp trở lại nếu khi
lấy ra ta chứa trong cái gì sạch sạch. Thứ nầy để đàn bà thoa mặt rất tốt. Hắn vừa
nói vừa cho hai hộp kem vào túi quần xùng xình của hắn. Ta phải tận dụng phế thải
và phát huy sáng kiến, đó là lời chỉ dẫn sáng suốt của Đảng và nhà nước.
Chú Tám nói điều ơn nghĩa:
-Thôi coi như vợ chồng tôi biếu bà nhà. Bà nhà tui cũng không cần
thứ quỷ quái đó làm gì. Chú nhìn về phía vợ thật mau vừa kịp bắt gặp tia sáng bất
mãn trong ánh mắt bà vợ. Chú làm bộ ngầy ngà Thiếm:
-Thôi Bà đem cất mấy thứ lỉnh kỉnh này đi, lấy chỗ rót nước mời
ông trưởng phòng. Rồi dọn cơm tui ăn để còn đi họp.
* * *
Tên cán bộ trên bàn thuyết trình viên nói thật hăng say. Hắn
vung tay bên nầy, quơ tay bên kia bọt mồm vung vãi tùm lum tà la hai bên mép:
-Bác Hồ thật sáng suốt khi ví đế Quốc Mỹ với con đỉa hai vòi. Thật
không còn hình ảnh ví von nào đúng hơn. Đỉa hai vòi hút máu người bằng cả hai đầu.
Đế Quốc Mỹ hút máu nhân dân thế giới cũng bằng hai vòi. Một vòi nó bóc lột nhân
dân trong nước. Nó làm cho nhân dân Mỹ ngày càng nghèo đói. Một vòi nó hút máu
các dân tộc nhược tiểu khiến cho các dân tộc nầy ngày càng đói khổ, cơ cực, tài
nguyên ngày càng khô kiệt. Bác Hồ vô vàn kính yêu của nhân dân ta đã nhận định
rất cao siêu và chí lý rằng…
Mặc cho tên thuyết trình viên nói nhăng nói cuội, trên trời dưới
đất. Dưới nầy Chú Tám tâm sự với ông Bảy Năm Trên:
-Từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ tui mới nghe con đỉa hai vòi. Hồi trước
tới giờ tui chỉ nghe đỉa con, đỉa mẹ, đỉa mén, đỉa trâu chớ có nghe chuyện con
đỉa hai vòi đâu. Bây giờ tui mới hiểu nghĩa con đỉa hai vòi là tụi cầm quyền. Tụi
ở Mỹ bị đỉa hai vòi hút máu quá nên nghèo không thể gởi đồ dìa cho mình nhiều
hơn. Ở xứ mình trước khi nhận quà từ ngoại quốc gởi về mình bị vòi đỉa thuế hút
máu. Sau khi đi tới nhà còn bị vòi công an hút thêm lần nữa.
Rồi Chú cười:
-Sau khi bị con đỉa hai vòi hút máu, gói đồ của con Lê, ốm nhom,
ốm nhách, nhẹ hều nhẹ hểnh.
Ông Bảy Năm Trên thêm:
-Chưa hết đâu, thằng mà anh nói giúp đỡ anh ở Tân Sơn Nhứt cũng
là một vòi đỉa thôi. Vòi mới mọc ra sau nầy. Vòi ăn theo. Nó chịu ăn với tụi trong
đó để bắt chẹt anh đó chớ. Lúc nầy ai mà ở không vô đó làm chuyện bao đồng.
Chúng ta, nhân dân Việt Nam mình bây giờ không bị nạn con đỉa hai vòi mà con đỉa
cả chục vòi, cả trăm vòi lận. Bác Hồ của tụi nó là thánh cũng không thể nào tưởng
tượng được con đỉa cộng sản một trăm vòi đang hút máu nhân dân Việt Nam.
Rồi ông hỏi nhỏ:
-Anh nói thằng đó lấy hết mười hộp kem Hoa Lan sao lại còn hai hộp
cho thằng công an bợ hay vậy?
Chú Tám cười gượng ngạo, rồi nói bằng một giọng thật cảm động:
-Tui năn nỉ nó lấy một hộp sâm cao Ly chừa hai hộp kem lại để bả
thử bôi coi sao. Mấy tháng sau này bả lao động xã hội chủ nghĩa nhiều quá nên
da mặt xần xùi đen đúa quá.
Ngưng một lúc lâu Chú nói như tâm sự:
-Mà hồi đó tới giờ tui có mua được cho bả một thứ mỹ phẩm nào
đâu. Mỹ phẩm sang nhứt của bả là xà bông Cô-Ba, bồ kết với dầu dừa thôi.
Ông Bảy Năm Trên vỗ đùi cái chách vừa ngó chừng lên bàn thuyết
trình vừa kề tai Chú Tám nói nhỏ:
-Tôi hiểu rồi, ông bạn già muốn cho chỉ ở nhà, trắng da dài tóc
chứ gì?
Rồi Ông nói một câu khó hiểu:
-Nhưng trước khi muốn cho bả trắng da dài tóc thì anh phải chặt
đầu mấy con đỉa đi.
Ông nói phần cuối câu thật lớn.
Mấy người lối xóm ngồi gần nhìn hai ông bạn già, ngơ ngác.
(Trích
Câu Hò Vân Tiên)
Nguyễn
Văn Sâm
viết dài dòng quá
ReplyDeleteCám ơn đã đọc mất thì giờ và cho ý kiến
DeleteViết kiểu xưa quá trời luôn -bốn mươi năm trước, lòng còn hần hận. Đọc hut hợi ...vì dài dòng. Ngày nay thiên hạ thường thích bánh ăn liền, khỏi bóc lá..
ReplyDelete