CHƯƠNG I
TUYẾN CHÙA HƯƠNG TÍCH
Phần 1
SUỐI YẾN - ĐỀN TRÌNH -
CHÙA THIÊN TRÙ
Lời mở đầu:
- Nội dung câu chuyện được ghi lại theo ký ức của một người xa quê lâu năm nhớ về “những năm tháng ấy” tại quê nhà vào giai đoạn đầu thập niên 1950, trước hiệp định Geneve 1954, ở miền Bắc nước ta.
Từ
tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng cho cuộc đi chơi hôm nay.
Mỗi người trong chúng tôi đều đeo trên vai một chiếc ba-lô nhỏ, trong đựng vài
bộ quần áo đủ để thay đổi đôi
ngày. Chúng tôi không quên sắp thêm
chút ít thức ăn dọc đường, thêm vài ba chai “nước suối” nhỏ và ít trái cây
trước khi ra khỏi nhà.
Uyên trong chiếc áo dài tơ mầu mỡ gà, khoác ngoài chiếc áo len mầu nâu nhạt. Còn Thi vẫn trong chiếc áo dài trắng học trò hàng ngày, khoác ngoài chiếc áo len mỏng mầu tím Huế. Đi leo núi mà hai cô ăn mặc thế kia thì không tiện lắm. Nhưng thôi cũng được, đi lễ chùa mà, ta cũng nên mặc áo dài cho nó trang trọng, thành kính.
Dựa vào những
tài liệu tôi có, quần thể Hương Sơn thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (trước
kia là huyện Hoài An), tỉnh Hà Đông, cách Hà nội khoảng 60 cây số về huớng
Tây-nam. Lộ trình đi thăm
quần thể Hương Sơn, thông thường người ta có thể chia ra làm 3 tuyến
đường chính mà du khách và khách hành hương đến đất Phật thường lui tới:
- Tuyến
đường chính đưa tới chùa Hương Tích.
- Tuyến
đường thứ hai đưa tới chùa Hinh Bồng.
- Tuyến
đường thứ ba đưa tới chùa Tuyết Sơn.
Trong đó, tuyến
đường chính để vào động hay chùa
Hương Tích là “trung tâm điểm” thu hút du khách và khách hành hương nhiều nhất.
Với ba tuyến trên, ta không thể đi hết trong vòng một ngày, nhanh lắm cũng phải mất hai ngày, thong thả phải mất ba ngày mới tạm nói là ta đã đi gần hết những điểm chính của quần thể ấy.
Tuyến đường chính vào chùa Hương Tích
Tôi phác họa ngay lộ trình vào
thăm chùa Hương Tích để không bị bỡ ngỡ vì đây là lần đầu chúng tôi đặt chân
đến vùng “Đệ nhất
Nam thiên ấy cảnh này” (1).
Kề ngay bến xe Hồng Quang
là bến Đục. Từ bến Đục, ta
đi bộ tới bến đò Yến.
Ta xuống thuyền
tại bến đò Yến. Thuyền bơi dọc theo suối Yến để ghé qua đền Trình,
rồi từ đây thuyền lại tiếp tục chèo đến bến đò Trò, hay bến đò
Thiên Trù, nơi đây có chùa Thiên Trù, còn gọi là “chùa Ngoài” (Chương I/ Phần 1)
Từ
chùa Thiên Trù ta đi bộ, lần theo đường núi để đến chùa Tiên ngay
gần đó, rồi qua chùa Giải Oan có động Tuyết Quỳnh hay Tuyết Kình, rồi đến đền
Chấn Song hay còn gọi là đền Cửa Võng. Rồi tiếp tục đi theo triền
núi tới động Hương Tích hay còn gọi là “chùa Trong” (Chương I/ Phần 2).
***
Từ bến xe khách Hà Nội, xe
chuyển bánh vào khoảng 6 giờ sáng. Chúng tôi đến bến xe Hồng Quang vào đúng 8
giờ sáng. Các xe khách từ các nơi cũng đổ về đây làm quang cảnh bến xe có phần
đông đúc nhộn nhịp hẳn lên. Các cửa hàng đã mở cửa tự bao giờ. Bên cạnh bến xe
là bến Đục thuộc làng Đục Khê. Bến Đục là một bến đò trên dòng sông Đáy. Từ đây
coi như ta đã bước chân vào vùng đất
Phật Hương Sơn hay
đúng ra là khởi đầu cho một quần thể núi, sông, chùa chiền, hang động
của thắng cảnh mang tên Hương Sơn.
Từ bến Đục, chúng tôi qua chiếc cầu
gạch, đi bộ hơn một cây số thì tới bến đò Yến thuộc
suối Yến của làng Yến Vĩ (đuôi chim Yến). Người dân làng Yến Vĩ ví làng mình
mang hình dáng con chim yến (hay chim én), một loại chim của mùa xuân. Vào
những ngày hội, con đường này rất đông vui.
Bến đò Yến
Tại bến đò Yến, chúng tôi thuê một chiếc đò
“tam bản” đan bằng tre. Ở đây có cái lạ là người ta thuê thuyền theo ngày chứ
không theo chuyến. Du khách muốn xuống chỗ nào thì thuyền neo đợi. Khi khách
trở ra, thuyền sẵn sàng đưa khách đi tiếp. Cô lái đò của chúng tôi còn trẻ, vui
tính, rất thân thiện và phải nói thêm là duyên dáng nữa.
Cô lái đò giúp
chúng tôi ngồi an vị trên thuyền. Uyên và Thi có lẽ đây là lần đầu tiên đi
thuyền trên sông, suối nên hai cô tỏ ra hơi sợ mỗi khi thuyền chòng chành.
Nhưng chẳng mấy chốc chúng tôi cũng đã làm quen được với chiếc thuyền nan này.
Thuyền từ từ
lướt nhẹ theo dòng suối Yến. Nước vỗ vào mạn thuyền nghe thật vui tai. Cảnh vật
ở đây, đúng là cảnh thiên thai, đẹp như một bức tranh sơn thủy. Trước là núi,
hai bên là núi, trên cao là trời xanh, ở giữa là dòng suối lững lờ trôi một
cách êm đềm, bình thản.
Núi có cái đẹp
của núi. Núi không cao nhưng trùng trùng điệp điệp, lớp trước lớp sau, lớp tỏ
lớp mờ, lớp ẩn lớp hiện. Mầu sắc của núi biến đổi luôn luôn theo ánh sáng mặt
trời đang lên.
Nước có cái đẹp
của nước. Suối Yến không sâu nhưng mở rộng ra như thể không bờ. Nếu có bờ, cũng chỉ là bờ của những thửa ruộng đồng ngập
nước. Từ lòng suối ngoi lên những mảng “cỏ xanh”. Thêm vào đó, những đám
rong rêu lay động, lập lờ trong lòng suối như tóc tiên buông xõa cuốn nhẹ lấy
mái chèo.
Trong
làn nước nhẹ mọc rêu xanh,
Như
gấm mơ hồ dưới thủy tinh.
Chèo
khỏa, chèo lên, chèo lại khỏa,
Thuyền
đi trên vạn sắc màu xinh.
(Trích
bài “Thăm Cảnh Chùa Hương” của Xuân Diệu)
Hình
bóng phản chiếu trên nước của núi và mây như quyện lại với nhau một cách hài
hòa và cùng trôi chẩy theo chiếc thuyền nan.
Qua mỗi khúc
ngoặt hay quanh co của suối, cảnh vật lại đột ngột thay đổi. Quang cảnh thật hùng vĩ nhưng vẫn dung dị êm đềm như
thơ, vẫn mang cái tinh khiết thoát tục của nơi đất Phật. Ai đặt chân đến đây
cũng thấy lòng mình thanh thản, xa hẳn cõi bụi trần. Người ta đến đây, với cảnh
trí này, không phải chỉ để ngắm cái cảnh đẹp của thiên nhiên mà còn tự muốn bỏ
đi những vướng mắc, trần trượt của bản thân mình trong đời sống hàng ngày.
Cả ba chúng tôi
đều yên lặng để được tận hưởng, chìm đắm trong cái lâng lâng, buông thả và bay
bổng của tâm hồn. Thỉnh thoảng cả Uyên và Thi lại “ồ” lên mấy tiếng trước những
cảnh đẹp hiện ra bất ngờ. Như khi thấy những mỏm núi chìa hẳn ra ngoài suối với
hình thù ngộ nghĩnh. Hay ngay trên đỉnh của ngọn núi nhỏ nằm sát bên bờ suối có
một chiếc miếu nhỏ nằm chênh vênh trên đó nhưng lại tuyệt đẹp, thanh thoát, in
bóng vươn lên trên nền trời cao. Hay bất chợt, cùng bắt gặp những hang động
hiện ra với những mảng dây leo buông tỏa xuống như mành.
Khung cảnh nên
thơ này không phải chỉ là cái đẹp của núi, của suối và của mây không thôi, mà
nó còn được tô điểm bởi những rặng cây thẳng tắp mọc trên triền núi cùng với
cái dáng vươn cao của những cây gạo. Người ta nói, những cây
gạo này, hoa sẽ đỏ rực như
những đốm lửa đỏ in trên nền trời xanh vào mùa hè.
Vài con trâu
hững hờ ăn cỏ trên đồng, cùng hình ảnh vài ngư phủ đang bì bõm đánh dậm trên cánh
đồng chiêm, hay hình ảnh của người tiều phu đang lom khom vác củi rừng trên
triền núi, tất cả đều là những nét chấm phá khá đặc biệt của vùng Hương Sơn.
Những nét chấm phá ấy còn hòa trong tiếng chuông trầm buồn ngân lên từ những
ngôi cổ tự hay những tiếng ríu rít của đàn chim sáo trên cành cây cổ thụ.
Hương
Sơn đã làm rung động tâm hồn của biết bao bậc thi nhân từ cổ chí kim và đã đóng góp không ít cho
nền văn học, thi ca nước nhà.
Cô lái đò lên
tiếng làm quen:
- Ba anh chị
mới tới Hương Sơn lần đầu?
- Đúng thế cô
ạ! Chúng tôi chỉ biết chùa Hương qua sách vở hay nghe kể lại thôi. Hôm nay
chúng tôi mới có dịp đến đây để coi tận mắt cảnh đẹp nổi tiếng của quê hương
mình.
Bây giờ tôi mới
ngửng lên nhìn kỹ cô lái đò. Cô trạc tuổi Uyên có nước da hơi sạm nâu, khuôn
mặt dễ thương, có đôi môi dày tình tứ, lại có má lúm đồng tiền mỗi khi cô cười.
Với thân hình khỏe mạnh của một cô gái đồng quê, chứng tỏ cô đã quen thuộc với
công việc nặng nhọc đồng áng hay đưa đò này.
Cô cho biết, những cô gái ở vùng này, ngoài công việc thường
ngày làm ruộng hay trồng dâu, nuôi tằm, dệt tơ. Nhưng vào mùa xuân, các cô
làm thêm nghề lái đò đưa đón khách hành hương trên suối Yến.
- Em ghé
vào đền Trình để ba anh chị vào lễ Thánh nhé.
Tôi vui vẻ trả
lời:
- Cám ơn cô!
- Em đậu thuyền
ở đây chờ. Khi nào các anh chị ra, em sẽ đón để đưa các anh chị đi tiếp.
Cô lái đò từ từ
tắp thuyền vào bến đền Trình. Bên bờ suối, vài cô gái đang giặt quần áo và chiếu. Mấy cô dừng tay nhìn chúng
tôi vẫy tay cười chào. Chúng tôi vẫy tay chào lại.
Tôi xuống
thuyền trước đỡ cho Uyên. Thi cứ đứng trên thuyền không chịu xuống. Tôi đưa tay
ra đỡ nhưng nàng nhất định từ chối.
Thi cười với cô
lái đò:
- Em muốn nhẩy
lên bờ, được không chị?
Cô lái đò nhìn
Thi chỉ mỉm cười không nói. Tôi vội ngăn lại:
- Em đừng nhẩy!
Ngã đấy!
Tôi chưa kịp
ngăn lại, Thi đã nhẩy ào lên bờ. Vừa đặt chân tới đất, Thi đã vỗ tay tự khoe:
- Em giỏi chưa!
Chưa đứng vững,
Thi bỗng bổ nhào lao vào người tôi làm tôi loạng choạng tý nữa ngã theo. Với
phản ứng tự nhiên tôi ôm chầm lấy Thi đề nàng khỏi ngã sấp xuống đất. Khi hoàn
hồn, tôi thấy tình thế trông thật bất tiện, Thi đang nằm gọn trong vòng tay
tôi. Tôi vội buông vòng tay ra khi Thi vừa lấy lại được thăng bằng. Mặt Thi đỏ
ứng, ấp úng xin lỗi:
- Em xin lỗi!
Em xin lỗi!
Uyên chạy lại
chỗ Thi hỏi đùa:
- Hai “cô cậu”
làm gì mà tý nữa ngã bổ chổng ra với nhau vậy?
- Em vấp phải
hòn đá cuội to nên mất thăng bằng. Em xin lỗi! Thi cười gượng nói.
Để đánh trống
lảng cho Thi đỡ ngượng, tôi nhìn cô lái đò nheo mắt nói to:
- Không phải
lỗi tại em đâu! Lỗi tại cô lái đò kia kìa!
Với cái nheo
mắt của tôi, biết là tôi chỉ nói đùa nên cô lái đò cũng cười vui vẻ lên tiếng:
- Phải rồi! Lỗi
tại em! Lỗi tại em! Thôi, các anh chị vào đền lễ Thánh đi. Em đợi!
Cả ba chúng tôi
đi về hướng đền Trình, lên mấy bậc thang gạch rồi vào sân đền. Uyên đi trước,
cách chúng tôi đủ xa, Thi lại nói:
- Em xin lỗi
anh!
Tôi nhìn Thi
rồi ghé vào tai nàng nói nhỏ:
- Em thấy chị
Uyên em lên mặt “bà chị” với anh rồi đấy. Chị em dám hỏi hai “cô cậu” làm gì
vậy. Em có nghe thấy không? Tôi hỏi đùa Thi.
Thi không nói
gì mà chỉ ngửng lên nhìn tôi mỉm cười. Vừa đi, Thi vừa tìm bàn tay tôi bóp nhẹ
mấy cái thật nhanh như biểu lộ sự đồng tình, rồi nàng buông tay tôi ra ngay.
Thi chạy lại với Uyên phụ chị mua vàng nhang và hoa quả để lên chiếc khay đem
vào đền lễ Thánh.
Đền Trình, tên
tự là “Ngũ Nhạc linh từ”, có kiến trúc bề thế như một ngôi đình làng.
Trong sân, trước cửa đền có con voi đá đóng yên cương và ghế kiệu trên lưng.
Một lư lớn bằng xi măng cũng được đặt ngay giữa sân để đốt vàng hương. Tuy
chúng tôi đi chùa Hương sớm trước ngày mở Hội nhưng thấy du khách đã đổ về đây
không phải là ít. Trong đền thờ, khói nhang nghi ngút đến nghẹt thở, có con
ngựa gỗ to sơn son và trên bệ thờ có tượng tướng quân thời vua Hùng.
Chung quanh
chùa, vài cây
si lâu đời mọc rễ chằng chịt với những hình thể uốn lượn rất đẹp, đẹp không
thua gì những cây si ở phủ Tây Hồ của thành phố Hà Nội. Ngay sau đền là tòa nhà
hai tầng có tháp vươn lên khỏi hàng cây cao trông rất đẹp.
Khách hành
hương thường đều đến đền Trình như một sự “trình diện” hay “cáo kiến”
với các vị thánh, thần ở đây trước khi vào chùa Hương để mong khi vào chùa cầu
xin, họ tin rằng những điều cầu khẩn những điều tốt lành sẽ được có kết quả hơn.
Bên đền Trình
có năm ngọn núi gọi là núi Ngũ Nhạc, cho nên đền này còn được gọi là đền
Trình-Ngũ Nhạc. Gọi như thế cũng để phân biệt với đền Trình-Phú Yên nằm
trên tuyến đường suối Tuyết. Suối Tuyết sẽ đưa du khách đi thăm khu vực quần
thể động Tuyết Sơn và chùa Bảo Đài (trên tuyến đường thứ ba đến chùa Tuyết
Sơn).
Đền Trình Cầu Hội
Sau khi Uyên và Thi vào đền thắp hương
trở ra, cả ba chúng tôi lại cùng lên thuyền để tiếp tục cuộc hành
trình.
Thuyền càng vào
sâu, cảnh vật càng đẹp và nên thơ. Có những áng mây trắng vương trên đỉnh núi.
Bóng núi và mây in trên mặt nước, đôi khi làm ta cứ lầm tưởng như trên mặt suối
đương phủ một lớp sương mù bay bay. Tiếng nước vỗ mạn thuyền nghe thật êm ả làm
sao. Thi ngồi bên tôi, đưa bàn tay xuống suối cho dòng nước cuốn lên cổ tay.
Nàng vốc nước lên rồi đổ lại xuống suối, những hạt nước lóng lánh như thủy
tinh. Uyên cứ mải mê với cảnh vật xung quanh, thỉnh thoảng lại thảng thốt kêu
lên: “Ô kìa! Cảnh đẹp quá! Đẹp quá!”.
Chẳng mấy chốc
chúng tôi thấy một chiếc cầu bắc ngang qua suối Yến. Cô lái đò chỉ cho chúng
tôi:
- Đó là cầu
Hội.
Cầu Hội có
dáng “hình thang” thật đơn giản, cao và thông thoáng. Chỉ là chiếc cầu gỗ mảnh
khảnh nên nó lại phù hợp, hài hòa với sự êm đềm lắng đọng của cảnh vật chung
quanh. Vì cầu Hội cao và thông thoáng nên thuyền qua lại ngược xuôi dưới gầm
cầu được dễ dàng. Dưới gầm cầu, bóng núi và mây vẫn lung linh, trôi chảy theo
dòng suối mà không bị vướng mắt, hay
bị cắt ngang hoặc che lấp.
Mây
luồn đáy nước qua cầu
Thuyền
đi tưởng núi quay đầu trông theo.
(Trích
bài “Trên Đò Suối” của Hằng Phương)
Khu cầu Hội có những cây
gạo rất to và đẹp. Chim chóc từng đàn bay về
ríu rít trên cành những cây hoa gạo này.
Tại khu
vực cầu Hội, cô lái đò cho biết thêm:
Từ phía chân cầu bên trái của
cầu Hội có con đường dẫn đến chùa Thanh Sơn.
Từ phía chân
cầu bên phải của cầu Hội có hang Sơn Thủy Hữu Tình và còn
có con đường đi vào làng Hội Xá.
Tôi nhớ làng
Hội Xá là quê vợ của thi sĩ Tản Đà. Nói đến nhà thơ Tản Đà với chùa Hương, tôi
không thể không nhắc tới bài thơ của cụ:
Chùa Hương trời điểm lại
trời tô
Một bức tranh tình trải mấy
Thu
Xuân lại xuân đi không dấu
vết
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho.
Nước tuôn ngòi biếc trong
trong vắt
Đá hỏm hang đen tối tối mò.
Chốn ấy muốn chơi còn mỏi
gối
Phàm trần chưa biết, nhắn
nhe cho.
(Trích
bài “Chùa Hương” của Tản Đà)
Chẳng mấy chốc, chúng tôi
đã vừa đi qua gầm cầu Hội.
Khi cô lái đò
vừa dứt nói, tôi liền hỏi:
- Hàng ngày cô
lái thuyền trên suối, với cảnh đẹp như thế này chắc cô thích lắm nhỉ?
- Vâng, có
những hôm mây xuống thật thấp, mây trắng là là trên sườn núi. Trên mặt suối
cũng có mây. Những hôm như thế thì đẹp lắm. Em cứ tưởng như em đang ở trên trời
hay trên tiên cảnh. Có hôm sương mù, mọi cảnh vật như ẩn như hiện. Tuy lúc đó
trời đất âm u, ảm đạm nhưng lòng mình cứ lâng lâng thanh tịnh thoát tục. Có
những hôm trăng sáng, nước và ánh trăng như quyện vào nhau. Cảnh đêm yên tĩnh,
em chỉ còn nghe thấy tiếng mái chèo khua nước, thỉnh thoảng lại nghe tiếng
chuông chùa thánh thót vang ra. Nhìn lên trời thì sao sáng đầy trời. Em chỉ
tiếc là em không được đi học nhiều nên không biết làm thơ như các anh các chị ở
tỉnh thành.
- Cô đang làm
thơ đấy! Tôi nói với cô lái đò.
Rồi tôi hỏi tiếp:
- Thế cô chèo
đò trên suối có thường gặp những chuyện vui buồn gì không?
- Chuyện buồn
thì ít thôi. Em chỉ chèo thuyền cho khách hành hương thưởng ngoạn cảnh đẹp của
Hương Sơn. Với lòng người lúc đó mở rộng theo đức Phật nên cũng chẳng ai muốn
làm buồn lòng ai. Chỉ có những hôm nào, em không được khoẻ người thì chèo
thuyền cũng thấy uể oải lắm.
Cô yên lặng một lúc rồi nói
tiếp:
- Chúng em chỉ được làm công
việc chèo thuyền nhàn hạ này trong mấy tháng mùa xuân thôi. Khi hội chùa Hương
chấm dứt, số đông chúng em lại trở về nghề làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm hay
lên rừng kiếm củi, hái mơ. Cũng vất vả lắm. Chiều tối, có khi em phải làm thuê,
nhận “kén” về, luộc, rồi “đánh kén” thành “chỉ tơ” (chỉ tơ dệt vải) tới khuya
mới được đi ngủ.
Cô chợt mỉm
cười, mặt tươi vui hẳn lên:
- Chuyện vui thì có nhiều,
vui nhất là những hôm có mấy anh ở Hà Nội về chùa Hương, ngồi trên thuyền nhìn
em, cứ khen em đẹp. Có anh còn làm thơ tặng em nữa. Những hôm như thế, đêm về
em nằm cứ trằn trọc mãi không làm sao ngủ được vì vui.
Thấy cô lái đò
thật thà, cả ba chúng tôi cứ tủm tỉm cười một cách kín đáo. Tôi chỉ vào Uyên và
Thi giới thiệu cho cô lái đò:
- Để tôi giới
thiệu với cô, đây là hai người em gái của tôi. Cô này tên Uyên, còn cô này tên
Thi. Uyên là chị của Thi.
- Em biết tên
hai chị rồi vì em thấy anh gọi tên hai chị ấy. Nhưng hai chị đây không phải là
em gái của anh. Chắc hai chị đây phải là những người bạn rất thân của anh.
Chúng tôi trợn
tròn mắt nhìn cô. Tôi hỏi ngay:
- Sao cô biết?
- Em biết vì em
thấy anh chăm sóc chu đáo cho hai chị. Nếu hai chị là em gái của anh, thì ngược
lại, hai chị đã phải săn sóc cho anh rồi.
Nghe xong câu
nói đó của cô lái đò, cả ba chúng tôi đều cười.
- Cô nói đúng
rồi! Chúng tôi là bạn thân của nhau, lại cùng ở một làng với nhau ở Sơn Tây.
Thân nhau từ nhỏ.
- Em cũng xin cố tin lời anh như vậy! Cô mỉm cười hóm hỉnh.
Cô lái đò
lấy chiếc nón lá xuống, quạt quạt vài cái cho mát rồi lại đội vào ngay. Tôi
chợt bắt gặp đôi mắt hơi xếch thật đẹp và đa tình của cô mỗi khi cô cười.
Uyên chợt
hỏi cô lái đò:
- Thế chị
tên gì?
- Em tên
Hương, thằng em trai em tên Sơn. Cả hai chị em chúng em không được sinh ra ở
Hương Sơn này, nhưng khi chuyển về đây ở, bố mẹ em đổi tên cho chúng em như
thế. Năm nay em 18 tuổi, thằng em 14. Ở nhà mọi người quen gọi em là Mơ vì em
hay vào rừng hái mơ về làm rượu mơ hay mang ra chợ bán. Trong xóm em, mọi người
chỉ còn biết gọi tên em là Mơ thôi. Mấy anh trai làng cứ trêu em đẹp như quả mơ
chín, (cô chép miệng tủm tỉm cười, nói tiếp) mà quả mơ chín quá thì da nó nhăn
nheo, xấu lắm.
Uyên hỏi tiếp:
- Chị bằng tuổi
em. Chị muốn chúng em gọi chị là Hương hay Mơ?
- Các anh chị
cứ gọi em là Mơ cho thân.
Uyên nhìn Mơ
tủm tỉm cười. Uyên nói tiếp:
- Em đọc tặng
chị bài thơ này nhé.
Mắt Mơ sáng hắn
lên, ngừng tay chèo hỏi Uyên rối rít:
- Thật không
chị? Chị đọc cho em nghe đi!
Uyên đọc:
Thăm
thẳm đường chiều một khách thơ
Say
nhìn xa rặng núi xanh lơ
Khí
trời lạnh lẽo và trong trẻo
Thấp
thoáng rừng mơ cô hái mơ.
Hỡi
cô con gái hái mơ già!
Cô
chửa về ư? Đường còn xa
Mà
ánh trời hôm dần một tắt
Hay
cô ở lại về cùng ta?
Nhà
ta ở dưới gốc cây dương
Cách
động Hương Sơn nửa dặm đường
Có
suối nước trong tuôn róc rách
Có
hoa bên suối ngát đưa hương. . .
Cô
hái mơ ơi!
Chẳng
trả lời nhau đến một lời
Cứ
lặng rồi đi rồi khuất bóng
Rừng
mơ hiu hắt lá mơ rơi.
(bài “Cô Hái Mơ” của Nguyễn Bính)
Uyên vừa đọc xong, Mơ vỗ tay khen:
- Chị làm thơ
hay quá! Chị chép cho em nhé!
Uyên vội khua
tay:
- Bài thơ này
không phải của em làm. Em đoán là của ông hàng xóm nhà chị đấy vì ông ấy ở cách
Hương Sơn có nửa dặm đường và lại có suối nước trong nữa.
- Không phải
đâu! Trong xóm nhà em chỉ có mỗi một mình em biết chữ. Thế, tên ông ấy là gì hả
chị?
- Nhà thơ
Nguyễn Bính.
- Nguyễn Bính!
Ồ, em biết rồi!
- Chị quen với
ông ta hả? Uyên giật mình hỏi.
- Không! Hôm
trước có một anh khách đi đò chép tặng em bài thơ “Cô lái đò”, nói
là bài thơ ấy của nhà thơ Nguyễn Bính. Anh ấy, trước khi lên bờ còn cười dặn em
là em đừng đi lấy chồng vì nếu em đi lấy chồng sẽ làm buồn cho những khách sang
sông, rồi còn đọc đoạn thơ này cho em nghe và em đã học thuộc:
Bỏ
thuyền, bỏ lái, bỏ dòng trong
Cô
lái đò kia đi lấy chồng.
Vắng
bóng cô em từ dạo ấy
Để
buồn cho những khách sang sông.
(Trích
bài “Cô Lái Đò” của Nguyễn Bính)
Uyên
phì cười:
- Chị Mơ đừng
tin lời nói của những ông thi sĩ nhé. Ông Nguyễn Bính không những yêu cô hái
mơ, cô lái đò, cô nuôi tằm dệt tơ, cô hàng
xóm, mà yêu luôn cả cô Mán trên rừng nữa đấy.
Mơ đứng nhìn
trời không nói gì, cứ tiếp tục chèo thuyền.
Chúng tôi đi
thuyền trên suối Yến, vừa được ngắm cảnh đẹp vừa được ngồi bên nhau lại vừa
được trò truyện với cô lái đò dễ mến một cách chân tình đến thích thú. Một kỷ
niệm thật khó quên.
Chẳng bao
lâu, bến đò Trò đã hiện ra với chỉ lẻ tẻ dăm ba chiếc
thuyền chở khách, cái đi vào cái trở ra. Được biết, vào ngày hội chùa Hương nơi
bến đò này đông nghẹt những thuyền và người vào ra tấp nập. Hội chùa Hương kéo
dài từ mùng 6 tháng Giêng tới cuối tháng Ba âm lịch.
Thuyền
ghé khua bờ đá
Chim
mừng, rừng véo von
Suối
đến đây dừng lại
Tiễn
khách trèo lên non.
(Trích
bài “Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)
Cô
lái đò tắp vào bến, tìm nơi tốt để chúng tôi có thể dễ xuống thuyền. Thi nhìn
chúng tôi, lên tiếng hỏi nhỏ:
- Hay chúng ta
mời chị Mơ cùng đi chơi chung cho vui?
Chúng tôi đồng
ý ngay. Khi chúng tôi ngỏ lời đề nghị ấy với Mơ, cô vui vẻ nhận lời.
- Các anh chị
cứ lên chùa đợi em. Em đi cột thuyền.
Bến đò Trò hay
còn gọi là bến đò Thiên Trù. Dẫy thuyền nằm san sát im lìm chờ
khách ngay dưới chân núi Mâm Xôi, có cây cổ thụ. Không xa đó, vài ba quán ăn và
quán bán đèn nhang, với vài ba hàng bán quà kỷ niệm cho khách thập phương đi lễ
chùa.
Từ bến đò,
chúng tôi từ từ leo lên giốc một quãng rồi đứng đợi Mơ để cùng đi. Chẳng mấy
chốc chúng tôi thấy cô Mơ, đầu đội nón lá, lúp xúp chạy từ bến đò chạy lên. Bây
giờ tôi mới nhận ra Mơ mặc váy vải xồi, loại vải đen rẻ tiền với chiếc áo cánh
mầu nâu khoác ngoài, chỉ cài có hai cái nút áo nơi bụng. Áo cùng mầu với chiếc
yếm trước ngực, đuôi yếm thả lỏng che xuống tới quá bụng. Chân cô đi đất nên
bước chạy của cô cứ thoăn thoắt. Chiếc váy kêu xoàn xoạt theo những bước chân
vội vã của cô.
Cả bốn chúng tôi cùng song bước lên chùa Thiên Trù, tức “chùa Ngoài” gần ngay đó. Đi hết thêm một dốc nhỏ, chúng tôi tới cổng ngoài của chùa. Cổng chùa là một kiến trúc cổ thuần túy Việt Nam, rất đẹp. Cổng được xây theo kiểu năm cửa, vòm cửa uốn cong hình bán nguyệt. Cổng hai tầng và có nhiều mái. Phía trên cửa giữa có hàng đại tự “Nam Thiên Môn” (Cửa Trời Nam).
Từ
ngoài xa nhìn vào chùa, ta thấy chùa được xây trên một khoảng đất rộng, phẳng,
có núi vây chung quanh. Trước mặt là núi, hai bên
là núi, phía sau cũng là núi. Những quả núi gần chùa không cao lắm, lại cao đều
nhau, không xa nhau, cũng không chen nhau nên
trông rất hài hoà. Chùa có kiến trúc thông thoáng không bị gò bó bởi hình ảnh nặng nề của núi.
Tôi hỏi Mơ:
- Cô có biết
tên những quả núi quanh chùa này không?
- Hai quả núi
có tên là Phụ Mã ở hai bên trái và phải của chùa, núi Sau Chùa ở phía sau của
chùa. Ba quả núi này được ví như ba ông “đầu rau” của bếp Thiên Trù. Nhìn rộng
ra xa thêm, những núi đứng sau hai quả núi Phụ Mã, bên phải mang tên Tiên Sơn,
bên trái mang tên Thung Mang. Bên cạnh núi Sau Chùa là núi Ông Chây. Nếu ta
nhìn về chùa Hinh Bồng (cô vừa nói vừa chỉ tay về phía núi Hinh Bồng xa xa) là
núi Lão. Sau núi Lão là núi Cỏ Bồng.
Núi
bắc “đầu rau” mấy vạn niên
Mà
màn biếc thẫm đẹp thiên nhiên?
Thiên
Trù một khoảng êm phơi phới,
Núi
ngắm nhau xanh một sắc hiền.
(Trích
bài “Thăm Cảnh Chùa Hương” của Xuân Diệu)
Cô giải thích thêm:
- Em nghe các
cụ gọi chùa Thiên Trù này là “Bếp Trời” vì các cụ tin rằng khu đất chùa này,
theo phong thủy, tương ứng với chùm sao Thiên Trù ở trên trời. Chùm sao Thiên
Trù lại tượng trưng cho cái bếp, cho sự ăn uống. Bếp thì có ba ông “đầu rau” để
kê nồi.
Chùa có nhiều
cây hoa gạo cổ thụ và có hai hàng cây hoa đại (cây bông sứ) trước cổng vào.
Uyên say sưa nhìn ngắm những cây hoa gạo vươn cao.
Mơ tiến lại gần
Uyên:
- Nếu chị đến
thăm chùa vào giữa tháng hai ta, tức giữa hội chùa Hương thì chị sẽ thấy hoa
gạo đỏ rực treo lơ lửng trên cành, có người ví nó trông giống như những đốm lửa
nhỏ hiện trên trời xanh. Đẹp lắm! Vào cuối tháng ba, hoa gạo rụng thì tới lượt
hoa đại nở rộ. Hoa đại nở vừa đẹp lại vừa thơm.
Chúng
tôi vừa đi qua cổng là vào
tới sân cấp thứ nhất của chùa. Một không gian thoáng rộng
được mở ra. Chùa được xây trên mảnh đất hình chữ nhật có chiều dài rất sâu theo
kiểu “ngũ môn, tam cấp” (năm cửa, ba tầng bậc). Hai bên sân chùa là những gian
nhà bán hàng cơm hay hàng bán quà kỷ niệm.
Qua sân thứ nhất là tới bậc thềm thứ nhất, có độ hơn chục bậc bước lên cao, tới sân cấp thứ hai. Hai bên sân cấp thứ hai cũng là hai dẫy nhà hàng ăn. Giữa sân có một tháp chuông, kiến trúc ba tầng, mái rất lớn và tuyệt đẹp lại uy nghi. Các người bán quà kỷ niệm rong cứ theo chân chúng tôi mời mua những xâu tràng hạt, mầu nâu có, mầu đen có hay chỉ được làm bằng những hạt cây tròn mộc mạc.
Qua sân thứ hai,
chúng tôi lại tới bậc thềm thứ hai, cũng khoảng hơn mươi bậc bước,
đưa lên một sân cấp thứ ba cao hơn. Đây là sân của ngôi nhà
Tam Bảo, cũng là sân chính của chùa Thiên Trù.
Chính giữa
sân đứng sừng sững một đỉnh đồng cao ba
thước và một đỉnh hương đúc bằng xi măng, khói nhang nghi ngút suốt ngày. Hai
con sư tử được sơn vàng nằm chầu trước cửa ngôi nhà Tam Bảo.
Ngôi nhà Tam
Bảo là công trình kiến trúc chính của quần thể chùa Thiên Trù, một công trình kiến trúc
quy mô lớn với phong cách truyền thống. Trên cột nhà Tam Bảo được treo nhiều
câu đối sơn son thếp vàng. Bên trong có nhiều tượng Phật và các vị La Hán tạc
bằng đá hay gỗ tuyệt đẹp, thể hiện một
trình độ nghệ thuật và mỹ thuật rất cao.
Quần thể chùa
Thiên Trù liên kết với nhau theo nhiều nền tầng cấp, cao thấp khác nhau rất hài
hoà tạo nên một hình dáng kiến trúc tuyệt mỹ, vừa tráng lệ lại vừa thoát tục.
Đứng về góc cạnh nào cũng thấy cái vẻ đẹp dung dị mà lại sâu xa của triết lý
nghệ thuật xưa và cũng sâu lắng trong sự tôn nghiêm của triết lý đạo Phật.
Ngoài sân chùa
có hồ bán nguyệt với hòn non bộ. Cây cối trong chùa xanh tươi mang vẻ đẹp thanh
tao, gọn gàng bởi bàn tay con người. Cái đẹp của thiên nhiên hòa trong cái đẹp
của nhân tạo làm tăng thêm vẻ siêu thoát của tín ngưỡng.
Một
khu bảo tháp sau chùa được xây dựng để chứa hài cốt của những vị trụ trì chùa
này. Ngôi bảo tháp lâu đời nhất là bảo tháp Hoà thượng Viên Quang,
được xây vào thế kỷ thứ 17. Tháp được xây bằng gạch đỏ, trên nóc tháp có mái
cong như mái chùa.
Trong chùa
Thiên Trù còn có nhiều bảo vật cổ, trong đó phải
kể đến quả chuông đúc vào thời Tây Sơn, năm
Cảnh Thịnh thứ hai (1793). Quả chuông trước đây được để trong động Hương Tích, sau mới đưa ra Thiên Trù.
Quả thực ai đã
đi chùa Hương, hay nói chung là Hương Sơn, ta không thể không đến chiêm ngưỡng
cái đẹp, cái thanh thoát của chùa Thiên Trù.
Trầm
hương khói tỏa mờ
Hương
như là sao lạc,
Lớp
sóng người lô nhô
Chen
vào thật lắm công
Thầy
me em lễ xong
Quay
về nhà ngang bảo
“Mai
mới vào chùa Trong”
Chàng
hai má đỏ hồng
Kêu
với thằng tiểu đồng
Mang
túi thơ bầu rượu:
“Mai
ta vào chùa Trong”
Đêm
hôm ấy em mừng!
Mùi
trầm hương bay lừng
Em
nằm nghe tiếng mõ
Rồi
chim kêu trong rừng
...
Em chưa tỉnh giấc
nồng
Mây
núi đã pha hồng
Thầy
mẹ em sắp sửa
Vàng
hương vào chùa Trong.
...
(Trích bài “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp)
Ghi chú:
(1) Trong bài “Cảnh Chùa Hương” - Bà Huyện Thanh Quan
(*) Hình ảnh lấy từ cuốn “Du Lịch Chùa
Hương”- Nhà xuất bản Thông Tấn, Hà Nội (2009)
Mời đọc lại
Chùa Hương-Chương Giới thiệu
(Đã đăng trên Blog Người
Phương Nam)
https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/04/i-choi-chua-huong-nguyen-giu-hung.html
Mời nghe
https://www.youtube.com/watch?v=3kviRY6or1A
Giai thoại nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp
http://nguyentran.org/TN/Nhac2/GiaiThoaiVeNguyenNhuocPhap.mp3
Cảm ơn chị, bài này hay và thú vị lắm.
ReplyDeleteCám ơn quý độc giả đã quan tâm bài viết của tôi.NGH
DeleteHAPPY MOTHER' DAY CHỊ TỐ KIM. HGN
ReplyDelete