Wednesday, May 1, 2024

Như Mới Hôm Qua - Mây Hải Đảo


Chiếc trực thăng giảm cao độ chỉ còn trên ngọn cây, lượn theo dãy đồi thấp toàn cỏ dại và cuối cùng đáp xuống sân cờ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Tôi chui ra khỏi lòng tàu bé tí, ngơ ngác nhìn căn nhà đồ sộ, dùng làm bộ chỉ huy toàn miền cao nguyên, đứng chơ vơ trong khoảng đất mênh mông, đằng sau ẩn hiện dãy núi mờ nhạt vùng biên giới.

Đang sống những ngày lè phè trên đảo Bình Ba, sáng uống cà phê, thụt bi-da ghi sổ, trưa sách ghe “Ya-bu-cây” đi bắn cá, bắt tôm, chiều xuống làng nhậu đến khuya, để hôm sau lại tiếp tục “cung đàn cũ”, đợi cuối tuần theo ghe vào bờ thăm động số 9, nghe bầy tiên hạ giới vừa nhai kẹo cao su, vừa ca cải lương: “ Anh ơi đừng có gì ngăn sông cách biển hay thiếu thuốc penicilline mà anh đây nỡ bỏ em dzò dzõ...ớ..ơ..một mình.” Cuộc sống cứ thế lặng lờ trôi trong buồn chán. Bỗng một hôm nhận được công điện từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân cần huấn luyện gấp một số sĩ quan liên lạc tình báo, tôi bèn làm đơn xin đi vì đã ở đơn vị này hai năm và hơn bốn năm sống ngoài đảo. Nếu tôi không thuyên chuyển khỏi đây thì sớm muộn gì cuộc đời cũng “hai năm mươi” vì những bình rượu thuốc tầm bậy tầm bạ ngâm cắc kè, kỳ nhông, rắn mối hay những chai Kỳ Lân khạc ra lửa, cọp bay, chó chồm, xé nát cổ họng.


Về lại Sài Gòn sau nhiều năm xa cách, tôi giống như một tên Mán rừng trước những xa hoa của thành phố. Những cô học trò trong những chiếc áo dài trắng thướt tha của thủa còn là sinh viên sĩ quan năm nào đã được thay bằng những bộ mini-jupe cũn cỡn đầy màu sắc và lớp phấn son lòe loẹt trên khuôn mặt còn măng sữa của lớp con gái vị thành niên khiến tôi tưởng mình đã già quá đỗi. Chiến tranh càng khốc liệt, mọi người càng hối hả ăn chơi, sợ ngày mai không còn dịp nào nữa.


Tôi bắt đầu làm quen với những nguyên tắc kỹ thuật căn bản tình báo. Nào là hòm thư, bí số, nhà an toàn, theo dõi, ngụy tích, .v..v..Những lần thực tập lấy tài liệu từ một “agent” (điệp viên) khác trong rạp ci-nê hay theo dõi một tên “điệp báo địch” trên xe buýt đã khiến đôi lúc tôi tưởng mình là một điệp viên thứ thiệt, gần bằng anh chàng Tống Văn Bình Z28. Chỉ khác Z28 chuyên dắt gái đẹp đi chơi trên chiếc Carmaro lộng lẫy, còn tôi cuốc bộ mờ người một mình dưới cái nóng đổ lửa của Sài Gòn đầy bụi khói vì trong túi không đếm đủ 10 đồng lẻ đi xe Lam. Chả mấy chốc đến ngày mãn khóa. Tôi tính thầm thế nào cũng chọn nhiệm sở tại vùng 4 vì chưa bao giờ tôi đặt chân đến vùng này, ngoại trừ du lịch tưởng tượng qua những tác phẩm văn chương của Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam hoặc Lê Xuyên với dòng sông Trèm Trẹm và cô thôn nữ có sức quyến rũ lạ thường. Trí tưởng tượng đẩy tôi đi xa hơn nữa, tôi thấy mình mở tiệm sửa xe đạp bên đường (ngụy tích mà) ngày ngày la cà trong thôn lấy tin và uống rượu nếp than với mấy ông già trong xóm, tối tối theo bầy thôn nữ giã gạo dưới trăng...Thử hỏi trên đời này còn tuyệt thú nào hơn? Ước mơ cỏn con của tôi đã bị bóp nát trước khi biến thành nòng nọc có đuôi ngo ngoe khi ông chỉ huy trưởng gọi tôi vào nhận nhiệm sở. Chỉ tay trên tấm bản đồ hành quân chi chít những dấu sao đỏ, vùng ghi nhận có địch quân trú đóng chung quanh toàn đồi núi của thành phố Pleiku, ông nói: “Tôi quyết định gửi anh lên Quân Đoàn II làm sĩ quan liên lạc tình báo của Hải Quân tại đây, trong tất cả các khóa sinh tốt nghiệp không ai am tường địa hình, địa vật cũng như đời sống, cá tính của dân tộc thiểu số bằng anh.” Tôi cứng họng, ú ớ định trình bày là tôi chẳng biết mẹ gì về vùng cao nguyên có “phố núi cao, phố núi đầy sương” đó cả thì ông đã khoát tay đứng dậy, không quên dặn là tôi phải chuyển tin ngay lập tức khi đến nhiệm sở. Tôi đi ra với tâm trạng não nề, thất vọng như lần đầu viết thư tình bị trả về với lời phê “tán dở quá, về viết lại”. Tôi tự trách mình đã ba hoa với lũ bạn trong lúc trà dư tửu hậu rằng thì là đã từng sống ở cao nguyên nhiều năm, biết “bắt cái nước ọt ẹc” và quả quyết rằng bộ đồ nghề của người đàn bà Thượng nằm ngang. Đôi lúc cao hứng tôi còn tuôn dăm câu tiếng Thượng ngon lành, đại loại như :” mai nao buôn hả?” (em đi về buôn phải không) hay “toi dao co biet ma” (tôi đâu có biết mà). Chính những tiếng Thượng tầm bậy tầm bun, tốc cái xà rông coi chơi này đã hại tôi, để hôm nay một mình đứng lêu bêu trên ngọn đồi lộng gió, giữa thành phố biên trấn này.


Sau khi thu xếp xong chỗ ở, tôi đáp xe Lam xuống phố. Đúng như bài nhạc “Phố Núi Cao” diễn tả, cả thành phố chỉ có hai dãy nhà lụp xụp cất dọc hai bên đường đất đỏ, “đi dăm phút đã về chốn cũ” rồi sau đó chẳng biết đi đâu nữa ngoài chui vào cà-phê nghe nhạc “Mẹ ơi biên cương giờ đây, trời tuy không mưa nhưng nhiều mây...” và những dòng thơ viết trong cơn say:

Giày nhà binh bết bùn cầu Hộ Phú

Cà phê Chồn bên chợ cũ chiều mưa

Quán thịt chó cùng dăm ba xị đế

Ta say mèm mặc ngày tháng đong đưa..

Tôi đã quen dần với những buổi sáng mù sương lành lạnh, những ngày mưa dai dẳng và những con đường trơn như mỡ trong thành phố cũ kỹ đầy bụi này. Sáng cà phê đen đốt điếu thuốc Quân Tiếp Vụ đầu ngày tìm chút hơi ấm. Tối cà phê đen ru hồn trong tiếng nhạc lê thê kể lể “nàng yêu anh quân nhân Biệt Động trong một chiều cuối đông...” Công việc của tôi chẳng có gì khó khăn, ngoài hàng ngày đến Phòng II Bộ Tư Lệnh lấy tin, hoặc xuống Trung Tâm Hành Quân xem diễn tiến những cuộc đụng độ với các đơn vị địch. Quờ quạng một chút cho phải phép, tôi bèn chuồn ra phố thụt bi da, uống cà phê cho hết ngày, vì những tin tức toàn là của Bộ Binh, chẳng ăn nhậu gì đến Hải Quân cả. Những tin tức chiến lược rất hiếm, hoặc những nghị quyết của trung ương đảng Cộng Sản hay những tài liệu về vũ khí mới, là những thứ tôi cần sưu tầm thì lơ thơ như đám cây trên ngọn đồi trọc chung quanh thị xã. Tin tức của tôi thường được sáng tác trong quán cà phê, đại loại như: “Một toán địch quân, quân số khoảng gần đại đội trừ, quân phục ô hợp, vũ khí cộng đồng và cá nhân, di chuyển từ hướng Đông Bắc xuống Tây Nam, ý định không rõ. Tin A-2 của mật báo viên thông manh.”


Khoảng đầu tháng Ba 75, tình hình càng trở nên tồi tệ. Cộng quân gia tăng tấn công nhiều nơi, các căn cứ biên phòng bị tràn ngập vì không được tiếp viện kịp thời, tiếng kêu cứu thảm thiết vang trong máy truyền tin khuếch đại trong hầm Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn. Tôi đã có mặt thường xuyên tại đây để đọc được nét lo âu trên gương mặt của các người bạn bộ binh, đau chung với họ khi một đơn vị vừa tan hàng vì thiếu tiếp tế đạn dược, không yểm hay pháo yểm. Phẫn nộ, gào thét cùng họ khi pháo binh yểm trợ nhỏ giọt, chỉ đủ đánh thức Việt Cộng sau giấc ngủ muộn khi pháo binh không đủ đạn cung ứng cho các chiến trường nóng bỏng hơn, chiến lược hơn. Những người lính Bộ Binh Quân Lực VNCH như con mãnh hổ bị thương, gầm thét trong uất nghẹn, lùi dần đến lúc lưng dựa vào vách đá cheo leo, không đường tiến thối. Họ đã dùng hết tàn lực giơ móng vuốt đã cùn cố ngăn bầy lang sói nhe nanh tràn tới như nước vỡ bờ. Các căn cứ chiến lược chung quanh thị xã Kontum lần lượt thất thủ khiến thành phố co rúm lại trong sự bảo vệ của Trung Đoàn 45 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh khi tướng Phạm Văn Phú, người hùng của chiến trường Trị Thiên trong “mùa hè đỏ lửa”, được cử làm Tư Lệnh Quân Đoàn II, Quân Khu II. Ông là một người tầm thước, có vóc dáng văn nhân hơn là một võ tướng, tuy nhiên khuôn mặt lại có vẻ khắc khổ phong sương vì bao năm tháng miệt mài chinh chiến từ chiến trường Việt Bắc trước khi đất nước chia đôi bờ Bến Hải. Nhận trách nhiệm trấn thủ vùng II dầu sôi lửa bỏng trong lúc này chẳng khác nào như nhất kiếm trấn ải Nhạn Môn ngăn chặn Rợ Hồ tràn sang từ vùng ba biên giới Việt-Miên-Lào.


Hàng ngày tôi đều gặp ông ngồi trong Trung Tâm Hành Quân Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn trực tiếp nhận báo cáo hành quân từ các đơn vị trưởng trong vùng trách nhiệm. Cho đến một hôm, như thường lệ vào buổi sáng, tôi chui xuống hầm chỉ huy, đã thấy tướng Phú ngồi trước máy truyền tin tự bao giờ, nét mặt nghiêm nghị, thoáng chút âu lo. Tất cả nhân viên trong phòng đều mang vẻ mặt nghiêm trọng. Không một tiếng động, tiếng ồn ào như mọi ngày , ngoài tiếng rù rì của máy truyền tin và tiếng âm thoại đứt quãng, cùng những tiếng nổ của trọng pháo thỉnh thoảng vọng đến. Một sĩ quan phòng 3 rỉ tai tôi nói nhỏ: ”Việt Cộng đã chiếm quận Đức Lập và đang tiến quân về Ban Mê Thuật, Tiểu Khu Đặc Lắc báo động đỏ.” Lát sau lại có báo cáo mất liên lạc với Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Đoàn 23 Bộ Binh đóng tại hậu cứ Sư Đoàn. Tướng Phú ra lệnh trực thăng vận Trung Đoàn 45 về giải vây, giọng ông hơi run, có lẽ vì xúc động trước biến cố bất ngờ, hoặc vì ông đã biết trước giải cứu Ban Mê Thuật chỉ là hành động tuyệt vọng trong lúc này, bởi lực lượng tấn công gồm ba sư đoàn chính quy, chưa kể đến các lực lượng miền và địa phương. Làm sao một trung đoàn trừ và Tiểu Khu Đắc Lắc có thể chống đỡ nổi. Buổi chiều cùng ngày, ông buông ống liên hợp, ngồi thừ bất động trong lúc hệ thống viễn liên với Ban Mê Thuật hoàn toàn im bặt. Ngay hôm đó, ông đã bay về Phan Rang họp với Tổng Thống và không trở ra  vùng II nữa cho đến khi ông tự sát tại bệnh viện Đồn Đất Sài Gòn. Ông đã đền nợ nước như một người lính trong cơn binh lửa và một vị tướng thời tao loạn đúng như:

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

Hôm sau tôi vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn đã thấy không khí nhốn nháo, rối loạn. Mọi người lăng xăng chạy tới chạy lui tìm phương tiện rời thành phố. Hỏi ra mới biết là Đại Tá Tất, chỉ huy trưởng Biệt Động Quân vừa được vinh thăng Chuẩn Tướng để điều động cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên.

Tôi thẫn thờ rời Bộ Chỉ Huy Hành Quân, đứng nhìn cột cờ cao, trên đó ngạo nghễ lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ phất phới bay lần chót trước khi bị kéo xuống, cùng toán quân di tản.

Gọi điên thoại cho người bạn Không Quân trong phi trường Cù Hanh ra đón, tôi đáp chuyến trực thăng cuối cùng rời Pleiku, bỏ lại đằng sau thành phố đang bốc lửa, nơi tôi đã sống một thời gian không dài lắm nhưng đã có thật nhiều kỷ niệm.


Mây Hải Đảo

2 comments:

  1. Mây Hải Đảo đang ở đâu vậy? tôi chở bạn từ Phố núi cao ngay nào đó!

    ReplyDelete
  2. Trúc đang ở Florida, bạn KQ nào đó?

    ReplyDelete