Tên họ và hoàn cảnh của những
nhân vật trong truyện ngắn dưới đây nếu có sự trùng hợp ngoài đời thì chỉ là do
ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của người viết. Một số địa danh và thời gian cũng
được thay đổi.
Xe ra khỏi ngoại ô, xa dần phố xá
đô thị. Nam thấy thoải mái. Cả một vùng trời bao la trên cao, và những
cánh đồng rộng trải dài xung quanh. Phía xa là những rặng đồi núi xanh
đen in đậm nét cuối bầu trời, quang đãng vào buổi sáng có thời tiết tốt.
Một mình lái xe trên quãng đường
hơn ba trăm dặm, lần này Nam không có cảm giác cô đơn mà còn thấy một chút thư
thái, có một không gian và thời gian riêng tư cho mình. Anh cũng hơi ân hận
đã không chiều ý Hằng. Ngày hôm qua Hằng, vợ anh, còn nói: “Em muốn đi
Orange County cùng với anh”. Nam đã trả lời nàng: “Anh họp chuyên
nghiệp có hai hôm, cả ngày ở phòng hội, em đừng đi cho mệt. Sáng Chủ nhật
này lại có thợ làm vườn đến, em nhớ chỉ họ những chỗ cần làm cho quang đãng khu
vườn sau nhà mình, chắc là quá trưa Chủ nhật anh mới về tới”. Hằng đồng
ý, thoáng có nét buồn, nàng nói: “Nhưng anh lái xe một mình làm em lo, hay anh
lấy máy bay đi cho khỏe”. Nam nói để vợ an tâm: “Anh sẽ lái cẩn thận.
Anh muốn dùng xe, làm chủ lấy mình. Chờ đợi ở phi trường rồi mướn xe hay
dùng Taxi cũng mất nhiều thời giờ, làm anh nóng ruột hơn”.
Thật ra việc đi họp chuyên nghiệp
lần này với Nam chưa hẳn là lý do chính. Những buổi thuyết trình, hội thảo
về bệnh tim mạch thì thành phố lớn nào như San Jose của anh cũng thường
có. Ngành tim mạch cũng không phải là chuyên môn của một y sĩ nội khoa tổng
quát như anh. Nhưng anh nói với Hằng: “Thuyết trình viên kỳ này là một
chuyên gia nổi tiếng, đã có những công trình khảo cứu giá trị, anh muốn đi
nghe”. Nam quả thật mong được nghe bài nói chuyện, có ghi trong
chương trình, của vị giáo sư danh tiếng về bệnh tim, nhưng phần lớn quyết định
của anh là nhân dịp này tham dự buổi ra mắt tác phẩm thứ tư của nhà văn nữ Quỳnh
Dung sẽ tổ chức vào chiều thứ Bảy. Anh muốn bất ngờ gặp lại người
xưa. Vì bận rộn, anh chỉ mới đọc được hai cuốn tiểu thuyết đầu tay của
nàng. Hai tập truyện, mới phát hành ba năm trước, đã mau chóng gây được
tiếng vang và được tái bản chưa đầy một năm sau mỗi lần ra mắt.
Vừa lái xe, anh vừa nhớ tới Quỳnh
Dung, bây giờ là một cây viết được nhiều người biết tới. Ðiều này Nam không
ngờ mặc dù thời gian quen nàng bao nhiêu năm trước anh đã biết nàng yêu mến thơ
văn. Nghĩ tới việc sẽ gặp lại Quỳnh Dung cuối tuần, anh thấy bồi hồi vọng
nhớ về những kỷ niệm với nàng. Anh còn ghi trong lòng lời nàng nói khi
hai người chia tay: “Em biết anh yêu em, em cũng yêu anh vô cùng. Em
đã không tiếc gì với anh ... Nhưng em không thể nhận lời lấy anh vì ...” Ngày
ấy, lúc gặp nàng lần đầu vào một cuối hè đầu thập niên 70, anh đã phải chú ý
ngay đến vẻ đẹp vừa hồn nhiên, vừa quyến rũ của nàng. Năm đó nàng mới 18
tuổi, tuổi thanh xuân hoa mộng như một cánh hoa mới vừa nở. Anh đã 26, mới
thực sự vào đời. Thời gian qua thật mau. Nam thầm tính, bây giờ
nàng đã 40, anh 48 tuổi đời. Chuyện cũ cả hai chục năm qua, bây giờ đã đầu
thập niên 90, nhưng Nam khó quên. Anh nhớ những lời nói và cả nhiều chi
tiết giữa anh và Quỳnh Dung. Nhớ những tình cảm ân cần nàng dành cho anh,
những ngày tháng yêu thương bên nhau, những diễn tiến sôi động của thời cuộc và
chiến tranh vào vài năm chót trước khi Sàigòn đổi chủ, cả một dĩ vãng chợt về,
qua cuốn phim ký ức ...
NGANG DỪA, và NHỮNG NGÀY THÁNG ẤY
Tuy mới đến vùng đất thuộc miền Hậu Giang này, Nam thấy mến cái tên cũ Ngang Dừa hơn tên mới được đặt sau này là Quận Kiến Thiện. Có lẽ vì tên gọi Ngang Dừa đối với Nam nghe thơ mộng hơn.
Ngang Dừa thực ra chỉ là tập hợp của
một số xã ấp nằm hai bên một nhánh sông. Chung quanh là những chòm xóm rải
rác và rạch ngòi. Không xa biển, sông rạch ở đây nửa năm nước ngọt, nửa
năm nước mặn. Dân cư hiền hòa nhưng bị nhiều áp lực, nhiều tai họa của chiến
tranh. Từ ngày xã ấp trở thành quận lỵ, kinh tế có vẻ gia tăng vì có thêm những
viên chức hành chánh và quân đội, đồn bót của chánh quyền quốc gia trú đóng.
Tại đây mọi di chuyển đều là đi bộ hoặc dùng ghe, tàu. Quân nhân, công chức
bên quốc gia khi di chuyển lẻ tẻ thường dùng trực thăng.
Thời gian đầu thập
niên 70, cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam gia tăng đến cao độ và lan rộng khắp
nơi. Nam vừa học xong y khoa năm chót, chưa kịp trình luận án, anh được bổ nhiệm
làm Y sĩ cho một đơn vị tác chiến bộ binh, hậu cứ đóng tại Vị Thanh. Mới
đáo nhậm được vài tuần, Nam theo Bộ Chỉ huy đến đồn trú tại Ngang Dừa. Những trận
đánh lớn nhỏ giữa hai bên quốc gia và cộng sản xảy ra thường xuyên.
Bên ngoài vòng
đai của đơn vị là một khu nhà máy xay lúa, gồm nhiều dãy nhà tôn dựng ven bờ
sông, bên những hàng dừa xanh mát. Nam tạm thời lập một trạm y tế trong một
căn nhà tôn mái cao, làm việc chung với văn phòng hành chánh của quận. Mỗi
sáng, nếu không đi hành quân, anh đến khám bệnh cho quân nhân và cho dân chúng
trong vùng qua công tác dân sự vụ. Tòa nhà tôn rộng lớn, không có vách
ngăn bên trong. Giữa nhà là một dãy ghế dài cho mọi người ngồi chờ
khám bệnh hoặc chờ làm giấy tờ. Một bên là các văn phòng của quận, một bên là
nơi làm việc của anh.
Mỗi đầu ngày,
Nam thấy ông phó Quận trưởng đến làm việc cùng với các nhân viên, các thư ký.
Ông Phó Hưng, trạc tuổi Nam, dáng dấp trẻ trung, dễ gây cảm tình. Ông tốt
nghiệp về Hành Chánh và cũng mới được bổ nhiệm tới đây chỉ trước Nam vài
tháng. Ở nơi xa xôi, cùng là thư sinh mới ra trường từ Sàigòn, Nam và ông
Phó Quận chỉ ít ngày trở nên quen thân. Trước mặt mọi người, Nam vẫn gọi
Hưng là Ông Phó, Hưng cũng kêu anh là bác sĩ. Khi chỉ có hai người, xưng
hô thân mật, Nam và Hưng thường gọi nhau bằng cậu. Những buổi chiều rảnh
rang, hai người bạn mới thường ngồi uống trà, đôi khi uống bia bên bờ sông.
Hưng hiểu biết, thích thơ nhạc, hay bàn luận về các vấn đề thời cuộc, Hưng thuộc
nhiều thơ văn Việt và Pháp. Ðôi khi Hưng đọc cho bạn nghe vài bài thơ do
chính Hưng làm.
Hai người bạn
cùng trẻ tuổi, chưa lập gia đình, câu chuyện dần dà dẫn đến việc tâm sự về tình
cảm, và tất nhiên là chuyện về “các cô Sàigòn”. Hưng bản tính cởi mở, kể
lại những chuyên tình của anh, đôi khi với những chi tiết nóng bỏng. Nam sẵn
dịp hỏi bạn:
- Cậu là
người đào hoa, bây giờ bồ ruột của cậu là ai?
Hưng nói với bạn:
- Tôi đang
quen thân một cô học Văn khoa ở Sài Gòn, tên là Quỳnh Dung. Khá đẹp.
Hưng cũng hỏi lại Nam về cuộc sống
tình cảm. Nam kể qua mình có quen vài người thiếu nữ, nhưng chưa có ai thực
sự là người yêu.
Từ đó rất đều đặn,
mỗi tuần Hưng nhờ Nam chuyển gởi giùm một hoặc hai lá thư cho người yêu Quỳnh
Dung qua bưu chính quân đội, có trực thăng đi về tỉnh thường xuyên nên thư từ
nhanh chóng hơn bên dân sự.
Một hôm, Hưng trở
lại Ngang Dừa sau khi đã về thăm Sài Gòn mấy tuần lễ. Hưng tâm sự cho bạn
nghe tiến bộ mới về chuyện tình nồng nàn, đã đến thời kỳ thật là thắm thiết, giữa
Hưng và Quỳnh Dung. Nam hỏi bạn về dự tính tương lai. Hưng nói giọng
chân thành: “Quỳnh Dung và tôi yêu nhau, đã cho nhau trọn vẹn, và tụi này sắp
đính hôn”.
ooOoo
Nam đứng chờ trực
thăng tại sân bay Vị Thanh để trở về Ngang Dừa. Lần này anh được về phép
và ở lại Sàigòn trên nửa tháng để sửa soạn và trình luận án. Anh đã hưởng
gần ba tuần lễ rất thanh bình tại thủ đô. Trở về đây, không khí chiến
tranh lại hiện rõ.
Ðã cuối hè mà thời
tiết còn nóng. Sân bay nhỏ, bằng đất nện, khô cằn, cỏ cháy. Nhiều
khoảng đất rộng bao quanh sân bay bị những ngày nắng nhiều trở nên trơ trụi, chỉ
còn vài cụm cây khô. Thỉnh thoảng một cơn gió thổi qua, bụi cát bay
mù. Nam bỏ chỗ đứng, thong thả lại ngồi trên ghế chiếc xe Jeep của anh
cho đỡ nắng.
Một công xa bên
tỉnh tiến chậm đến rồi dừng lại gần anh. Nam nhận thấy ông Trưởng Ty Tài
Chánh ngồi trên xe cùng với một người con gái đẹp, tuổi chừng mười tám, đôi
mươi. Ðã biết Nam từ trước, ông Trưởng Ty chào anh và nói:
- Hôm
nay có trực thăng đem lương tháng tới các đơn vị ở Ngang Dừa. Ðây là “em
gái” ông phó quận Hưng, cô muốn đi thăm. Tôi nhờ bác sĩ hướng dẫn để gặp
ông Phó hành chánh.
Nam vui vẻ nhận
lời. Anh chào người thiếu nữ. Nàng cũng nhẹ ngả đầu chào lại.
Ở đây, những cô gái còn trẻ đến thăm thân nhân hoặc quân nhân nơi tiền đồn đều
được phong là em gái. Em gái hậu phương. Nam đã quen thuộc với danh
xưng này, nghe hơi cải lương, nhưng thân mật, trìu mến và tình cảm.
Ông Trưởng Ty đi
rồi, Nam mời cô gái lên ngồi ghế băng phía trước của xe anh. Tấm mui vải
che nắng cho người thiếu nữ. Nàng hướng cặp mắt to đen tự giới thiệu:
- Em là
Dung, bạn của anh Hưng. Anh Hưng kể chuyện có quen với bác sĩ. Hôm
nay em có dịp được gặp.
Nam chưa trực tiếp
giới thiệu ngay tên mình. Anh thầm nghĩ có lẽ Hưng đã nói tên anh, và trên chiếc
áo trận của anh đã có bảng tên. Anh đáp lại:
- Tôi mới biết anh Hưng được
vài tháng nhưng gặp nhau gần như mỗi ngày nên coi như đã quen thân. Tôi
là bạn của anh Hưng, cô Dung cứ gọi tôi bằng anh.
Rồi anh tiếp:
- Tôi tên Nam.
Nàng có giọng
nói êm và dễ thương:
- Dạ, nhưng
xin anh cũng kêu Dung bằng tên, như anh Hưng vậy.
Nam kín đáo nhận
xét người thiếu nữ. Ðúng như lời Hưng tâm sự, Quỳnh Dung có dáng đẹp quyến
rũ ngay cho người mới gặp. Khuôn mặt cân đối và tươi sáng, nước da trắng hồng,
khỏe mạnh. Cặp mắt sáng, sống mũi thẳng và cao, miệng cười xinh với đôi
làn môi mời gọi. Người con gái không trang điểm nhiều. Chỉ một lớp
kem mỏng trên da mặt, phớt một chút son nhẹ trên đôi môi. Tóc nàng uốn nhẹ,
ngắn trung bình, đoạn dưới của làn tóc úp vào khoảng da trắng nơi cổ phía sau.
Quỳnh Dung mang một sơ mi lụa màu mỡ gà và quần tây nâu đậm. Nàng đem
theo một túi sách tay nhỏ, gọn gàng. Một niềm vui nhẹ nhàng đến với
Nam. Ðang chờ đợi trực thăng, anh lại có dịp nói chuyện với một cô gái
xinh đẹp và duyên dáng, bạn gái của người bạn anh mới quen vài tháng.
Người hạ sĩ lái
xe cho An tự động ra đứng dưới lều tôn nơi chờ đợi, nói chuyện cùng mấy đồng
ngũ quen thuộc. Cạnh đó, vị Trung úy tài chánh cùng mấy nhân viên đang
canh giữ những bao bố màu xanh quân đội đựng tiền, chuẩn bị đem đi phát lương
cho những tiền đồn. Quỳnh Dung hỏi Nam đã đụng trận bao giờ chưa. Anh
cho biết mới đến đơn vị ít tháng, anh chưa có mặt ngay nơi chiến trường bao giờ.
Chỉ có một lần, cùng đoàn xe di chuyển, có xe bị mìn thảm khốc, xe anh may mắn
an toàn. Nam cũng hỏi Quỳnh Dung về việc học của nàng. Nàng trả lời
khiêm tốn:
- Dung kém
về toán lại biếng học vạn vật. Xong Tú Tài ban C, Dung học Văn khoa.
Ðã cuối mùa Hè tại
miền Nam thời tiết thay đổi thật mau lẹ. Trời đang nắng và nóng bức, tự
dưng nhiều làn gió mát thổi tới. Những đám mây xám đen kéo lại báo hiệu một
cơn mưa. Cũng vừa lúc đó hai trực thăng do phi công Mỹ lái, từ từ xuống
bãi đáp. Tiếng ồn ào của động cơ làm Nam phải nghiêng một chút về phía
Dung và nói:
- Cô Dung, mình chuẩn bị lên
máy bay.
Tuy đã đươcï
nàng mở lời lúc trước, Nam vẫn chưa thấy tự nhiên để gọi người thiếu nữ vừa
quen bằng tên trong lúc mới sơ giao. Anh hướng dẫn nàng lên máy bay và
giúp nàng cài dây an toàn. Những giọt mưa đầu mùa đã bắt đầu đổ xuống khi
trực thăng bốc lên độ cao. Vô số hạt mưa tạt vào kiếng trước của phi cơ, gặp
nhau tụ hội tạo thành những vệt nước dài, theo nhau chạy xuống phần thấp của kiếng
rồi tan biến. Hai người xạ thủ Mỹ, với đại liên mỗi bên máy bay và những
băng đạn dài, sẵn sàng bắn trả nếu bị tấn công từ dưới đất. Quỳnh Dung hỏi
Nam:
- Ðoạn đường
bay có xa không anh?
- Trực thăng bay chừng ba
mươi phút. Ði xuồng nghe nói phải gần nửa ngày. Dùng ghe máy chắc
là cũng mất độ ba bốn giờ.
Một lát sau, mưa
vẫn còn nhưng đã nhẹ hạt. Trực thăng giảm độ cao. Từ máy bay, Nam
chỉ cho Thùy Dung căn cứ đơn vị anh, vòng đai an ninh của quận, dãy nhà tôn nơi
anh và Hưng làm việc. Con sông Ngang Dừa được viền xanh ngoạn mục bởi những
hàng dừa bên ven sông. Qua làn mưa nhẹ, nhìn từ cao, cảnh vật bên dưới có
nhiều chỗ thật đẹp, như một tranh Tàu với cây xanh, che phủ bởi làn mưa mỏng
như khói sương.
Hai chiếc trực
thăng lượn một vòng rồi hạ xuống bãi đáp gần bộ chỉ huy của Nam. Anh giúp
Quỳnh Dung xuống máy bay. Mưa rơi nhẹ. Vừa đặt chân xuống đất đi được mấy
bước, gió mạnh do cánh quạt trực thăng làm nàng mất thăng bằng. Nam kịp thời
đưa tay ôm giữ người thiếu nữ mới quen, khỏi té xuống lớp đất trơn trượt vì trận
mưa cuối hạ. Tự dưng anh có một rung động khó tả khi có người con gái đẹp
trong vòng tay. Thân thể người con gái trẻ thật dịu êm gây cho Nam một cảm
giác vừa ấm áp, vừa hạnh phúc. Một chút ý tưởng tội lỗi nhẹ nhàng lẫn vào
cái cảm nhận ấy khi anh nhớ rằng đây là người yêu của bạn mình.
Hưng đã đứng chờ
sẵn bên bãi đáp. Nam cùng Quỳnh Dung đến gặp bạn, anh nói vài câu với
Hưng, rồi về trạm y tế lo giải quyết công việc đang chờ đợi sau những ngày vắng
mặt.
ooOoo
Cách doanh
trại khoảng hai cây số đường thủy, gần ngã ba sông lớn, có một cồn cát với nhiều
cây dừa bao quanh, gọi là Cồn Dừa. Ðây là một yếu điểm quân sự, nên mỗi tối
có một tiểu đội ra trú đóng, làm một chốt tiền thám, kiểm soát ngã ba sông và
giữ an ninh thủy lộ cho quận và cho đơn vị của Nam. Những cây dừa lúc nào
cũng xanh tươi nhờ được nước phù sa nuôi dưỡng. Giữa cồn có một chòi lá do những
toán binh sĩ dựng lên. Bên trong chòi có võng, lò bếp than và vài bàn ghế
sơ sài làm bằng những thân cây bần hay cây cần đước. Nơi đây, khi rảnh việc,
Nam và một số sĩ quan trẻ ban ngày hay ra bãi cát tắm sông, khi lên bờ dùng món
cá nướng chuôi, hay món trứng “cá cháy” Rạch Giá lúc gặp mùa, nướng khô mực, uống
bia hoặc uống nước dừa. Nam mến thích cảnh thơ mộng này. Khi tình
hình an tĩnh, ở đây mà anh tưởng như đang du lịch nghỉ mát trên một ốc đảo nhỏ.
Có khi anh mắc võng giữa hai cây dừa để nghỉ trưa, nghe nhạc qua chiếc máy thu
thanh nhỏ sách tay, hưởng những giờ phút ngắn, yên lặng và tạm an bình, vọng nhớ
về Sài Gòn và cuộc sống sinh viên, những ngày đại học...
Ba ngày liền,
Nam không thấy bóng Hưng và cô bạn gái. Hôm đó trong bữa ăn trưa cùng các
sĩ quan bộ chỉ huy, Trung úy Vượng thuộc ban an ninh cho biết: “Mấy hôm nay
ông Phó quận ngày nào cũng dùng xuồng máy ra thăm Cồn Dừa với người đẹp. Tối
đến, khi toán thám báo đi kích đêm mới về, chắc là Ông Phó mệt nghỉ”.
Nam muốn bênh vực cho hai người bạn mới quen: “Ông Phó quận có người yêu
đến thăm. Trong tương lai, cô sinh viên Văn Khoa này có thể là bà Phó quận
đó”. Mọi người thấy giọng nói thành thật của Nam, không nói bông đùa
gì thêm.
Ít ngày sau, vào
một chiều tối, cơm nước xong, Hưng đưa Quỳnh Dung đến thăm Nam để giã từ.
Dung sẽ về Cần Thơ và dự định ở một hai ngày nữa tại nhà một người bạn gái cùng
học Văn khoa. Có lẽ nàng đã nói cùng gia đình là xuống thăm bạn tại miền
Hậu Giang nhân dịp hè. Hai người cho Nam một hộp trà nhỏ và một hộp bánh
do Quỳnh Dung mang tới từ Sài Gòn. Nam nhờ người hạ sĩ tùy viên của anh nấu
nước pha trà, cùng hai bạn truyện trò. Hưng lộ vẻ hạnh phúc, một chút
hãnh diện, vì có người bạn gái đến thăm tại nơi xa xôi, vùng xôi đậu nguy hiểm
này. Quỳnh Dung nói chuyện dễ mến, vui vẻ và tự nhiên. Nàng có đem
một vài sách báo mới cho Hưng và Nam. Nàng nói về những bài văn, truyện
và thơ nàng ưa thích.
Nam hỏi Quỳnh
Dung sẽ về bằng phương tiện gì vào ngày mai. Hưng cho biết anh đã
thu xếp với một tàu đò chở hàng sẽ đưa nàng tới Cần Thơ, có lẽ mất cả bốn tiếng
đồng ho mới tớià. Phụ nữ và những người đi buôn lớn tuổi, di chuyển bằng
ghe tàu cũng tạm an ninh. Ghe tàu đôi khi phải đóng thuế cho cả hai
bên. Thanh niên, quân đội đi phép lẻ tẻ có thể bị những nhóm du kích phía
bên kia chặn ghe, kiểm soát đem vô bưng biền.
Ðêm đó không
trăng nhưng có thật nhiều sao. Bầu trời đã trong sáng trở lại sau cơn mưa
đầu mùa mấy ngày hôm trước. Một chiếc thuyền máy kiểu quân đội cặp bến
sông. Tiếng nói lao xao của mấy quân nhân cột thuyền vào bờ, rồi họ đi bộ về
phía doanh trại. Nam cho hai bạn biết đó là thuyền chở những toán thám
báo đi phục kích ở nhiều địa điểm khác nhau mỗi đêm, xung quanh khu trú
đóng. Mấy tiếng chuông ngân nga từ một ngôi chùa ở xa xa phía bên
kia sông vọng về, vang nhẹ thinh không. Hưng nói cho Quỳnh Dung
nghe về ngôi chùa cổ này của người Miên, đã được gần hai trăm năm, chùa có từ hồi
Chúa Nguyễn Ánh. Dân ở đây vẫn gọi là Chùa Miên. Quỳnh Dung đọc nhẹ, vừa
đủ nghe:
Thuyền ai
đậu bến Ngang Dừa
Nửa đêm vẳng tiếng chuông chùa Cổ Miên (1)
Nam
nói như một lời khen tặng:
- Dung đúng là sinh viên Văn
khoa, gặp cảnh là nhớ tới thơ của người xưa. Nhờ Quỳnh Dung, chúng tôi sẽ
gọi chùa với cái tên đẹp, chùa Cổ Miên. Không biết có khi nào sẽ được
thăm chùa Hàn Sơn bên Tàu, chắc là thơ mộng hơn đây nhiều mới đem cảm hứng cho
người xưa tạo nên những vần thơ, còn đến bây giờ, cả ngàn năm sau:
Nàng nhẹ đáp:
- Dung
thấy nước mình cũng có nhiều chỗ đẹp. Nhưng đôi khi cảm nhận với ngoại cảnh còn
tùy theo tâm sự, hoàn cảnh của mỗi người. Nếu thi vị hóa, vùng đất này cũng
rất nên thơ, nhất là Cồn Dừa.
Gần khuya, Hưng
và người yêu sửa soạn từ giã Nam thì một loạt tiếng nổ thật lớn, thật gần, vang
động làm cả ba người hoảng hốt. Phía bên kia mở cuộc pháo kích. Nam
vội kéo hai người bạn cùng anh xuống hầm trú ẩn, gần ngay căn lều vải của anh.
Những tiếng nổ vẫn liên tục và chát chúa. Trong hầm tối chật chội, Nam
nghe rõ tiếng thở nhanh và như cả tiếng tim đập dồn dập của Quỳnh Dung, bên
anh. Nàng lo lắng hỏi Nam:
- Liệu
có bị tấn công không anh?
Với “kinh nghiệm
mới có vài tháng” nơi tiền đồn, Nam trấn an cô bạn mới:
- Bị
pháo kích thế này, ít khi có tấn công trực diện.
Trong cảnh
hiểm nguy và quả thật chưa kinh nghiệm, Nam quên đi chiến thuật tiền pháo hậu
xung của những người bean kia chiến tuyến.
Chợt một tiếng nổ
lớn, kèm theo tiếng miểng kim khí va chạm ngay cửa hầm nơi ba người đang ẩn
trú. An đang ngồi thu mình, nhưng do phản ứng anh đưa tay khua nhẹ mặt đất.
Tay anh chạm phải một mảnh bích kích pháo nhỏ và sắc, còn nóng bỏng.
Anh bất giác kêu nhẹ.
Giọng Quỳnh Dung
hốt hoảng:
- Anh Nam có sao không?
Một tay nàng đưa
tới, nắm chặt lấy vai Nam. Anh nói cho bạn yên tâm:
- Tôi
chạm phải một mảnh đạn còn nóng, vừa rơi vào hầm của mình.
Mảnh đạn đã va
chạm mạnh vào những hộp sắt rỗng, trước kia đựng đạn đại liên. Binh sĩ đã
dùng những hộp không này như những viên gạch, làm vách nơi cửa hầm cho đất khỏi
lở xuống bên trong nơi ẩn trú.
Gần nửa giờ sau,
hỏa châu được thả sáng quanh khu vực đồn trú. Rồi đại pháo của những đơn
vị bạn rót những trái phá bao xa vài cây số phía tây nam bộ chỉ huy. Tiếng
bích kích pháo của phe tấn công thưa dần rồi êm lặng. Mọi người thận trọng
ra khỏi các hầm trú. Doanh trại một phần bị hư hại, vài lều lá bị cháy nhỏ,
không một ai tử thương nhờ có chuẩn bị những hầm trú kiên cố. Chỉ có bốn
người vừa binh sĩ vừa hạ sĩ quan tại những chòi canh bị thương vì không kịp trú
ẩn. Nam cho nhân viên đem thêm hai ghế bố quân đội và mền mùng để hai bạn
ở lại đêm trong trạm quân y của anh. Không an ninh chút nào nếu để họ về
quận, nơi cư trú của Hưng dù ở gần bên chưa đầy một cây số, vào tình trạng lúc
này. Nam và các y tá đi săn sóc những người bị thương. Sau đó anh
vào họp khẩn với bộ chỉ huy.
Sáng hôm
sau, nhiều trực thăng từ Bạc Liêu và Cần Thơ tới, đem theo một số sĩ quan đến
lượng định tình hình tại chỗ, và để chở các thương binh. Nhân dịp này, Nam kiếm
cho Thùy Dung một bộ đồ trận mới và một nón vải đi rừng để nàng mặc, như một nữ
trợ tá quân đội, rồi tháp tùng trực thăng tản thương về Cần Thơ.
Suốt một tuần
sau đó, tình hình yên tĩnh. Bên
này lo chỉnh trang tu bổ căn cứ. Các đơn vị cơ hữu tuần thám, lưu động ngày
đêm. Bên kia chắc cũng lo thu dọn, phân tán mỏng để tránh bị truy kích
hay bị tiêu diệt. Nam lại có những dịp nói chuyện lâu với bạn.
Như một thói quen, Hưng tâm sự về ba ngày thân ái tuyệt vời cùng Quỳnh Dung, nhất
là khi chỉ có hai người ở Cồn Dừa. Nam không ngờ Quỳnh Dung là cô sinh
viên trẻ tuổi đã sống mới và phóng khoáng đến thế. Khi yêu thương, người
con gái đã không ngần ngại sống hồn nhiên, thân thiết và trọn vẹn bên người
tình.
Hưng đưa một bài thơ mới viết cho Nam coi:
- Tôi mới làm bài này, muốn khoe với cậu.
Nam cầm tờ giấy, đọc bài thơ Người Yêu Ðến của
Hưng. Anh còn nhớ có hai câu thơ lãng mạn:
Em đến trao anh cảnh địa đàng
Ðôi ta sống lại thuở hồng hoang ………
Nam thân mật nói với Hưng:
- Mừng hai bạn đã tìm thấy địa đàng ở Cồn Dừa.
ooOoo
Hôm ấy Nam về thăm Sài Gòn. Hưng nhờ anh đem thư cho Quỳnh Dung và một giỏ
trái cây miền Hậu Giang, có mấy quả xoài tượng thật lớn.
Quỳnh Dung mừng rỡ gặp lại anh. Mắt nàng sáng như một
đứa trẻ được kẹo khi nàng cầm một trái xoài:
- Cám ơn anh đem lại món quà mà Dung thích. Nhưng phải mang ơn anh
nhiều đã săn sóc Dung trong chuyến đi thăm Ngang Dừa mấy tháng trước. Dung
tưởng tượng có thể chết tại Ngang Dừa. Anh giúp Dung về Cần thơ bằng trực
thăng nên khỏe lắm. Bộ đồ trận anh cho, Dung còn giữ làm kỷ niệm, nhưng
chưa hôm nào dám mặc để khoe với bạn.
Quỳnh Dung mời anh ngồi nơi phòng khách, uống nước
cam. Có lẽ cả nhà nàng đi vắng, trừ một cô em gái nàng, tuổi độ mười sáu,
đôi lần thấp thoáng qua phía cửa căn phòng bên trong. Quỳnh Dung hỏi:
- Anh Hưng có nói với anh về dự tính đi Hoa Kỳ học cao học không?
Nam chưa lần nào nghe bạn nói đến việc du học, anh đáp:
- Anh Hưng chưa cho tôi biết về dự định này. Tôi nghĩ bây giờ tình
hình chiến sự nặng nề, cũng khó xin đi du học.
Quỳnh Dung giọng thân mật:
- Anh Nam,
anh đừng xưng tôi nghe xa lạ quá, anh cứ xưng anh với Dung nha. Cũng như anh
Hưng, anh hơn tuổi Dung mà.
Từ đó Nam đổi
cách xưng hô theo ý nàng. Quỳnh Dung cho biết có em gái là Quỳnh Hương,
đang học đệ tứ trường Trưng Vương, và một em trai đang học đệ lục. Câu
chuyện tiếp tục. Chuyện học Văn Khoa và các giáo sư của Dung. Cuộc sống tại
Ngang Dừa của Hưng và An. Các tác phẩm và các tác giả mới nổi tiếng.
Các ca sĩ đang được mến chuộng… ...
Rồi Quỳnh Dung hỏi
anh:
- Anh Nam,
chiều mai thứ bảy, có phim Summer Plage, trước bị kiểm duyệt nay cho chiếu lại.
Dung thích tài tử SandraDee. Anh có rảnh dẫn Dung và Hương đi coi được
không? Em muốn Hương quen với anh.
Nam hơi bối rối. Một chút ngạc nhiên về sự bạo dạn cũng như
lòng quý mến của Quỳnh Dung. Nhưng Nam đã có những nhận lời khác, trước
khi đến thăm nàng. Thấy vẻ ngập ngừng của Nam, Quỳnh Dung thông minh giúp
anh:
- Hay là anh mắc bận, đã có
hẹn với cô nào rồi?
Nam cho biết:
- Anh
đã hứa đưa mấy cô em đi Thủ Ðức. Lần nào về, mấy cô bé cũng đòi khao.
Quỳnh Dung làm
cho cuộc nói chuyện vui và tự nhiên:
- Em
anh thật không? Nếu là bạn gái thì sao anh đi một lúc với mấy cô?
Nam trả lời:
- Có một cô là em họ thôi.
Cô ấy có vài người bạn.
Quỳnh Dung nhìn anh:
- Mong anh Nam chọn được một
cô. Nhưng Dung cũng muốn anh quen em của Dung nữa.
Rồi nàng mời Quỳnh Hương ra giới thiệu với Nam. Anh cùng dùng xoài tượng với chị em nàng. Món xoài tượng dùng với đường và muối ớt nhiều cô gái ưa chuộng. Nam không mặn mà lắm với món này, nhưng vui vì có hai người con gái đẹp cùng trò truyện. Quỳnh Hương có vẻ đẹp kín đáo, hiền hậu, không có nhiều nét năng động như người chị.
MỘT NGƯỜI RA ÐI
Gần ngày Tết
Nguyên Ðán, tình hình chiến sự vẫn gia tăng, quân nhân và công chức ít người được
về dịp Tết cùng gia đình, qua kinh nghiệm Tết Mậu Thân. Nam và Hưng đều ở
lại Ngang Dừa, ăn Tết tại nơi tiền đồn. Lần này đúng như giao ước giữa
hai bên của cuộc chiến, không thấy có giao tranh tại nơi đây vào đêm giao thừa
và suốt ngày Nguyên Ðán.
Khoảng một giờ
sáng ngày mùng bốn Tết, Nam đang ngủ ngon thì nghe nhiều tiếng súng đạn nổ rền.
Nam khoác vội áo giáp rồi vào ngay vị trí đã được đặt trước trong kế hoạch
phòng thủ. Ðối phương mở cuộc tấn công bất ngờ vào công sự của quận, nơi
có khoảng gần hai trăm nghĩa quân và địa phương quân phòng trú và cũng có nhà của
vị quận trưởng và nhà của Hưng. Doanh trại của Nam không bị một trái đạn
nào. Có lẽ phía bên kia biết khó thắng và sẽ tổn thất nặng nếu trực diện
tấn công vào căn cứ một trung đoàn chủ lực, có hỏa lực mạnh, quân số đông và
hàng trăm trái mìn Claymore chung quanh. Vị trí phòng thủ của quận chỉ
cách doanh trại Nam trên một cây số. Tiếng súng lớn nhỏ nghe thật rõ.
Tiếng đại liên nổ dòn và cả tiếng súng 57 ly không giật. Nam lo ngại cho số
phận của Quận và của người bạn mình. Hai tiểu đoàn chủ lực của đơn vị
anh, cũng đang đóng quân ở gần, không được lệnh đi tiếp cứu. Không ai lạ
gì chiến thuật công đồn đả viện, tiếp cứu lúc này chỉ chuốc lấy tổn thất nặng nề.
Các nẻo đường tiếp viện chắc chắn đầy mìn bẫy và các ổ phục kích.
Giao tranh giữa bên trong và bên ngoài vòng đai của quận tiếp tục kéo dài trên hai tiếng đồng hồ. Cuộc tấn công chỉ ngưng khi máy bay loại nhẹ đến thả hỏa châu liên tiếp, soi sáng cả một vùng, trên trời và dưới đất.
Hôm sau, Nam bàng
hoàng được biết Hưng đã tử nạn ngay trong giây phút đầu của cuộc tấn công.
Một mảnh đạn M 79 đã trúng người bạn anh, như một định mệnh. Cuộc tình của
hai bạn anh có kết luận buồn. Không như trong cuốn phim Elle n’a dansé
qu’un seul éte, lần này không phải người con gái, mà là người thanh niên đã
vĩnh viễn ra đi, để lại người yêu.
Nam suy nghĩ và
buồn cho cuộc chiến đang xảy ra tại miền Nam. Cuộc chiến mà anh dù không
muốn cũng bị lôi cuốn vào, đứng ở bên này chiến tuyến, và giờ đây trực diện với
bên kia tại một đơn vị tiền phương. Nam còn nhớ, năm 1954, anh theo gia
đình di cư vô miền Nam khi đất nước chia đôi. Một số họ hàng, thân nhân,
bạn bè của anh còn ở lại bên kia vĩ tuyến 17. Anh biết chắc chắn nhiều
người quyết định ở lại miền Bắc không phải vì họ say mê chế độ đại đồng. Nhiều
người chỉ vì hoàn cảnh, hoặc không muốn xa rời làng mạc thân yêu. Chắc hẳn
phải có những người bạn và họ hàng của Nam, cũng bị lôi cuốn vào cuộc chiến như
anh, và bây giờ đang cầm súng bên kia chiến tuyến. Họ đã cho nổ những
trái bích kích pháo vào đơn vị anh. Lực lượng bên anh đã rót hàng chục
hay có khi hàng trăm quả đại bác 105 ly lên đầu họ. Những bom đạn của bên
anh hay bên kia cũng đang vô tình làm tổn hại, gây tang tóc cho nhiều dân lành.
Những người phía bên kia, họ ở xa và họ ở gần. Họ có thể là bà con bạn bè
của anh. Họ còn ở Hà Nội, Hải Phòng hay Thanh Hóa ... Hay họ ở ngay
ngoài vòng đai đơn vị anh, hoặc ở một thôn xóm gần bên hay xa xa phía
chân trời ...
CUỘC TÌNH ÐẾN SAU
Quỳnh Dung
đã mang thai trước ngày Hưng tử nạn chừng hai tháng. Nam một phần thương
nhớ người bạn xấu số, một phần vì cảm mến và muốn chia nỗi đau buồn của Quỳnh
Dung, và vì một tình cảm tự nhiên có, mỗi khi có dịp thuận tiện anh thường đến
thăm hoặc liên lạc để an ủi Quỳnh Dung kể từ khi Hưng mất. Quỳnh Dung lên
Ðà Lạt, sanh hạ một bé trai, ít lâu sau trở về Sàigòn sống cùng gia đình, tiếp
tục học Văn Khoa. Ðứa bé được bên gia đình của Hưng đón về nuôi dưỡng.
Quỳnh Dung thăm con nàng hằng tuần. Nàng cũng được gia đình Hưng quý mến.
Có lần nàng nói cùng Nam: “Con em là một kỷ niệm sống động đáng ghi nhớ nhất
anh Hưng đã để lại cho em và những những người thân bên gia đình của anh ấy.
Khi anh Hưng mới bị nạn, có nhiều người gợi ý khuyên em phá thai nhưng em không
đồng ý, và cha mẹ em cũng không muốn em làm như vậy”.
Mấy tháng
sau, Nam được đổi về làm việc tại Mỹ Tho, sau khi hết nhiệm kỳ phục vụ nơi tiền
tuyến. Anh có dịp về Sàigòn, thăm Quỳnh Dung thường hơn và tình cảm ngày
thêm nảy nở nơi anh và nàng. Anh chưa ngỏ lời yêu nàng nhưng cảm nhận được
Quỳnh Dung có nhiều cảm tình với anh. Tuy vậy đôi lần nàng có nhắc lại ý muốn anh
quen thân với em nàng. Nhưng tình yêu thường tự nhiên mà có. Tình cảm do
dẫn dắt, do sắp đặt nhiều khi khó thành. Nam quý mến Quỳnh Hương như quý
mến em của một người bạn.
Một sáng Chủ
Nhật, Nam đến thăm Quỳnh Dung. Anh dùng chiếc Vespa chở nàng dạo trên những
đường phố quen thuộc Sàigòn. Từ ngày Hưng mất, Quỳnh Dung để tóc dài. Xe
chạy êm và gió mát. Một vài sợi tóc nàng, mơn man nơi bên cổ Nam, cho anh
một cảm giác dễ chịu. Anh muốn những con đường dài hơn để tiếp tục đón nhận
những cảm giác êm đềm ấy.
Ðôi bạn sau
đó dùng bữa cơm trưa tại một quán ăn bên bờ sông Sàigòn. Quỳnh Dung đặt
tay trên bàn. Cầm bàn tay nhỏ nhắn của nàng, Nam ân cần:
- Nơi
cõi xa, Dung thử đoán xem anh Hưng nghĩ sao về chúng mình bây giờ?
Quỳnh Dung
nhìn anh:
- Anh
Hưng sẽ phù hộ cho chúng mình.
Nam vẫn giữ
tay nàng trong tay mình:
- Nếu
anh nói anh đã yêu Dung, Dung nghĩ sao, anh Hưng có buồn không?
- Anh
Hưng mất rồi. Anh ấy hiểu biết và rộng lượng, chắc không buồn về chuyện đó.
Nhưng riêng Dung nghĩ, Dung không xứng đáng với tình yêu của anh. Anh có
cả một tương lai, Dung lại có cuộc đời lỡ dở ...
Nam nói với
giọng chân thành:
- Anh đã cảm thấy mến Dung ngay từ lần đầu mới gặp. Nếu anh
Hưng không phải là bạn, anh đã cố chinh phục Dung từ hôm mới gặp em.
Quỳnh Dung
hồng nét mặt. Nàng không nói gì. Hai người rời nhà hàng, thong thả dạo
dọc bên sông. Ðã quá trưa, cũng vắng người tản bộ. Nam ôm nàng và hôn làn
tóc, rồi trên má và nhẹ nhàng hôn trên môi nàng.
Nam cùng
nàng vào một rạp chiếu bóng thường trực tại thương xá Eden, đang trình chiếu một
phim cũ nhưng nổi tiếng. Anh chọn một góc vắng. Ðôi bạn đã quen thân thì
thầm nói chuyện và rồi trao nhau những nụ hôn đam mê, mặn nồng ...
Tình yêu của
anh và nàng ngày thêm đằm thắm. Quỳnh Dung là cô gái trẻ, càng đầy nét đẹp
nẩy nở toàn vẹn, mãn khai. Nam say sưa trong yêu đương. Ðôi khi như
vì một phản ứng tâm lý, có lẽ vì đã quá yêu nàng, Nam thoáng có một chút ghen với
quá khứ của người tình. Có lần anh hỏi Quỳnh Dung: “Ngày xưa em có yêu
anh Hưng như anh không?” Nàng im lặng một lát. Nam thầm trách mình đã thiếu
tế nhị. Một lần khác, anh vô tình thấy trong một cuốn sách của Quỳnh Dung, bài
thơ Người Yêu Ðến, ngày trước Hưng viết tặng nàng, nàng còn cất giữ như
một kỷ niệm. Bây giờ anh mới có dịp đọc trọn vẹn bài thơ tình của người bạn
cũ ... Anh có nét suy tư và Quỳnh Dung cảm thấy điều này.
ooOoo
Hôm ấy Nam về thăm nhà ở Ðà Lạt. Anh chỉ còn mẹ đang ở tại thành phố nghỉ mát thơ mộng này. Cha anh đã mất từ nhiều năm xưa. Mẹ anh giọng nghiêm trang:
- Cậu
ngồi đây cho tôi nói chuyện.
Nam ngồi xuống,
cùng dùng trà với mẹ. Mẹ anh nói:
- Cậu
đã lớn, học hành xong rồi, phải lo việc lập gia đình, tìm người xứng đáng tử tế,
ý hiệp tâm đầu mà đi tới hôn nhân. Ðừng để lớn tuổi quá mới lập gia đình,
cha già con cọc. Mấy người bạn của mẹ cũng có con gái hiền ngoan, học giỏi,
đảm đang, nếu muốn mẹ tìm cách cho cậu gặp gỡ một vài cô, tùy cậu hợp tính hợp
tình với ai thì tiến tới hôn nhân.
Nam thưa với
mẹ:
- Con
mới ra trường được hơn một năm, chưa vội vàng gì mẹ ạ. Con muốn tự ý chọn
người bạn đời cho con để sống chung sau này.
Mẹ anh vừa hỏi
thăm dò, vừa nói với vẻ khuyên răn:
- Tôi
nghe nói cậu giao du tằng tịu với một góa phụ một con, tôi không bằng lòng.
Nghe nói cô này cũng chưa hẳn là goá phụ, chỉ là vợ chưa cưới của người bạn cậu,
đã chết vì chiến tranh. Giao du như vậy, nhỡ người ta có bầu, cuộc đời cậu sẽ lỡ
dở, nhiều phiền phức lắm. Tôi cũng không công nhận nếu cậu lấy vợ đã có một
con như vậy.
Nam biết là
một bạn thân của anh, được mẹ anh coi như con nuôi trong nhà, đã cho mẹ biết
quan hệ của anh với Quỳnh Dung. Trong lòng anh không trách gì người bạn
này, chỉ quý mến mẹ anh và tiết lộ cho mẹ anh biết. Người bạn quen đã lâu
năm, làm giáo sư trung học, gia đình nho giáo, có lẽ anh bạn cũng không tán thành
khi thấy cuộc tình của anh với Quỳnh Dung đằm thắm, có hướng đi tới hôn nhân.
Nam cảm thấy
thương mẹ. Người mẹ nào chẳng muốn mọi sự thật tốt đẹp cho con mình, cho
hạnh phúc của con mình và có lẽ còn cho cả niềm hãnh diện của mình nữa.
Nhưng tình cảm của Nam với Quỳnh Dung đã thật đậm đà. Anh muốn bất chấp
dư luận và nghĩ rằng sẽ vượt qua sự buồn phiền sẽ có của mẹ anh.
Hai tuần sau
đó, anh gặp Quỳnh Dung. Sau những phút thân ái bên nhau, anh nói với
nàng:
- Anh
muốn cưới em. Mình sẽ tổ chức lễ cưới gần dịp Tết này, em đồng ý không?
Quỳnh Dung
cảm động. Nàng úp đầu vào ngực anh. Anh thấy nàng thực sự rung động,
rồi nước mắt ướt áo anh. Nam thầm nghĩ nàng sung sướng tìm thấy lại hạnh
phúc. Nhưng Nam ngạc nhiên khi nghe nàng nói:
- Anh
cho Dung một thời gian rồi trả lời anh nhé.
Nam cho rằng
nàng muốn hỏi ý kiến cha mẹ hay có một vài ý tưởng riêng tư.
Những tuần sau đó, mỗi lần gặp gỡ,
Quỳnh Dung vẫn tỏ ra yêu anh nồng nàn. Nhưng khi hỏi về quyết định lập
gia đình thì nàng trì hoãn, không cho anh một ý kiến rõ rệt. Nam thấy tự
ái. Anh nghĩ hai người đã yêu nhau sâu đậm như vậy, Quỳnh Dung còn cần
suy nghĩ gì thêm nữa. Lần đó anh có ý giận nàng và bẵng đi ba tuần lễ,
không về Sàigòn thăm nàng nữa.
Nhưng Quỳnh
Dung tự đến thị xã Mỹ Tho tìm anh. Trong căn nhà nhỏ nơi anh ở, nàng biểu
lộ tình yêu cho anh hơn mọi lần, ân cần và đầy thương mến, đam mê. Một
đêm dài bên nhau. Trời gần sáng, anh nhắc lại ý định muốn cưới nàng.
Quỳnh Dung ướt mắt, tâm tình:
- Em
biết anh yêu em, em cũng yêu anh vô cùng. Em đã không tiếc gì với anh.
Nhưng em không thể nhận lời lấy anh vì thế nào người ngoài và dư luận sẽ làm
anh khó chịu. Hôn nhân này sẽ gây buồn phiền cho mẹ anh rất nhiều. Anh
sẽ không hoàn toàn hạnh phúc với em đâu. Em biết mẹ anh không tán thành chuyện
chúng mình. Nhận lời lấy anh là em tham lam. Em ghi nhận và cảm ơn
tình yêu của anh dành cho em. Mình đã yêu nhau đầy đủ và đẹp. Em
không quá lãng mạn đâu anh, nhưng em nghĩ kỹ rồi, cuộc tình của mình sẽ giữ mãi
nét đẹp khi mình không lập gia đình cùng nhau. Em gặp anh, gần bên anh lần này
có lẽ là lần cuối. Em cần chọn một lối thoát cho anh, cho em, cho hai
chúng mình ...
Quỳnh Dung
nước mắt tràn trên đôi má. Nam ôm nàng trong lòng. Vòng tay anh muốn
bao kín lấy người con gái, anh muốn giữ nàng mãi mải trong tay. Anh nói
ân cần với đầy thương mến:
- Em
nghĩ sai rồi. Anh không cần dư luận. Anh không cần quá khứ. Anh muốn
sống cho hiện tại và tương lai. Anh muốn sống cho chúng mình. Tại
sao phải nghĩ tới người khác, không nghĩ đến hạnh phúc của chính mình.
Mình yêu nhau và có làm gì sai trái đâu. Chỉ khi làm gì sai trái mình mới ân hận.
Quỳnh Dung
nói:
- Em
tin lời anh nói. Nhưng trong thầm kín, con người khó tránh khỏi ám ảnh của
quá khứ. Em nhớ một lần mình yêu nhau, anh có hỏi “Ngày xưa em có yêu anh
Hưng như anh không ...”, và lần anh thấy bài thơ anh Hưng làm tặng em vào dịp
em và anh ấy đến Cồn Dừa, em thoáng thấy vẻ buồn nơi anh. Xã hội mình thiện
cảm với những hôn nhân xứng đôi vừa lứa. Em không chồng, lại có một con.
Anh chưa từng lập gia đình, có nghề nghiệp, có nhiều tương lai. Mẹ anh và
bà con trong gia đình anh, bạn bè anh sẽ nghĩ sao. Yêu nhau, bây giờ anh cho
là chuyện gì cũng nhỏ. Sau này sống chung lâu dài, có lúc anh sẽ thấy những
khó chịu trong nội tâm và do ngoại cảnh đưa tới. Em nghĩ em chỉ xứng đáng
và đem hạnh phúc với một người cũng hoàn cảnh dang dở như em. Quá khứ dù
hạnh phúc hay đau khổ cũng khó xóa mờ. Hơn nữa, có một vài điều thầm kín
em không thể nói với anh được …
Nam nhớ
mãi sáng ngày kế tiếp. Quỳnh Dung hôn anh từ biệt, rồi từ đó nàng tránh
né tiếp xúc với anh.
Gần Tết năm
ấy, Nam được tin nàng thành hôn với một sĩ quan không Quân. Ông này có một
con với một cô vũ nữ, ông cũng định cưới người vũ nữ nhưng không được gia đình
ông chấp nhận. Người vũ nữ sau đó làm “vợ bé” của một “ông lớn”
trong chính phủ.
Nam lập gia
đình. Từ đó anh không liên lạc với Quỳnh Dung. Anh chẳng hề muốn
khuấy động cuộc sống của người tình cũ và cũng không muốn làm buồn phiền vợ
mình. Tuy không liên lạc, nhưng anh vẫn thường theo dõi cuộc sống của người cũ
qua bạn bè. Ðầu năm 75, vài tháng trước khi Sàigòn đổi chủ, anh được biết
chồng của Quỳnh Dung đã hy sinh trong một phi vụ. Nam có viết một thiệp
chia buồn với nàng và đó là lần chót anh liên lạc với người con gái đẹp nhưng gặp
nhiều nghịch cảnh, nhiều đau thương trong cuộc đời.
GẶP LẠI NGƯỜI XƯA
Nam lái xe tới nơi sớm hơn dự liệu. Anh lấy phòng ngay tại khách sạn, nơi tổ chức cuộc hội thảo ngày mai. Khách sạn Hyatt Regency tại Quận Cam khá tiện nghi, đẹp, có những hàng cây palms cao phía trước và dọc theo một đoạn dài bên đường phố. Anh về phòng nghỉ ngơi sau khi lái xe một lộ trình dài. Anh có địa chỉ và số điện thoại một số bạn quen gần đây nhưng không gọi và cũng không tính đi thăm như những lần cùng đi với Hằng, vợ anh. Nhớ tới Hằng, anh điện thoại báo cho nàng anh đã tới nơi an toàn, thứ bảy sẽ kết thúc cuộc hội thảo chuyên nghiệp, sáng chủ nhật anh sẽ lái xe về và dự định tới nhà khoảng sau buổi trưa.
Tắm mát
xong, Nam thấy khỏe và thoải mái. Anh định mặc đồ nhẹ đi tản bộ rồi vào
phòng ăn tại khách sạn dùng cơm tối. Nhưng anh bỏ ý định. Ði dạo một
mình không mục đích, dùng cơm đơn độc cũng chẳng thú vị gì. Anh ở lại phòng,
gọi một phần ăn nhẹ do khách sạn đem tới tận nơi, rồi nằm coi trên màn ảnh nhỏ
một phim tình cảm cho tới khuya. Truyện phim buồn. Người con gái đẹp,
chồng đi chinh chiến và mất tích. Nàng cô đơn rồi lấy một người bạn thân
củachồng. Chinh chiến hết, người chồng mất tích tưởng đã qua đời, bỗng trở
về. Người bạn bèn trao trả vợ mình cho người chồng cũ, anh ra đi đến một
thành phố nhỏ xa xăm, để tránh cảnh éo le mỗi khi gặp gỡ người cũ và mong an
bình hoàn toàn cho bạn và cũng cho người mình đã một thời yêu thương. Truyện
phim bình thường, cổ điển, không mới lạ gì, nhưng vai nữ diễn xuất linh động và
đối thoại hay, đôi chỗ làm Nam liên tưởng tới chuyện mình.
Hai ngày họp
chuyên nghiệp qua chậm. Có lẽ vì Nam nóng lòng chờ ngày ra mắt tập tiểu
thuyết mới của Quỳnh Dung. Trong những giờ họp chuyên nghiệp, anh chỉ dành
một chút chú ý đến bài thuyết trình của diễn giả quan trọng nhất, còn lại hình
như anh lơ là với các bài khác ngay cả với phần hỏi đáp, bàn luận đôi khi sôi nổi.
Anh bỏ luôn bữa cơm trưa bế mạc vào ngày thứ bảy. Dùng thức ăn Âu Mỹ cả hai
ngày qua đã chán quen, anh lấy xe đến khu phố đông người Việt tại Quận Cam và
dùng bữa trưa một mình với vài món ăn hương vị quê nhà.
Nam đến một
thư viện, nơi tổ chức buổi ra mắt sách của Quỳnh Dung vài phút trước giờ ghi
trong chương trình. Khách tham dự đã khá nhiều, khác với những cuộc hội họp
hoặc tiệc cưới mà Nam thường đến, đa số khai mạc trễ. Anh chọn một chỗ ngồi
nơi hàng ghế gần cuối phòng. Năm ba người đang sắp xếp những những tập tiểu
thuyết trên một bàn dài, vài người đang chuẩn bị hệ thống âm thanh và ghế cho
thính giả.
Quỳnh Dung
đến cùng vài người bạn. Ở tuổi bốn mươi, nàng còn nét đẹp và thanh lịch,
duyên dáng trong chiếc áo dài Việt Nam màu cánh sen tươi sáng, với những nét
thêu mỹ thuật vài hoa và lá sen nho nhỏ bằng chỉ kim tuyến nơi phía trước.
Một nữ xướng ngôn viên của một đài truyền hình địa phương làm điều hợp chương trình,
chào mừng và cám ơn thân hữu cùng quan khách. Một nhà văn nữ trẻ tuổi nói
về tác giả Quỳnh Dung, rồi một nhà văn nam lão thành trình bày những nhận xét
cá nhân về những tác phẩm của nàng và thêm những lờì đặc biệt giới thiệu về tập
truyện mới. Kế tiếp, Quỳnh Dung nói chuyện với quan khách và thân hữu
tham dự. Giọng nói, dáng điệu của nàng cho Nam nhiều ấn tượng, nhiều gợi
nhớ về ngày xưa. Không khác thời nào đã xa, nàng vẫn thật duyên dáng
trong cách nói chuyện, có nét chững trạc tự tin hơn ngày nàng ở tuổi đôi
mươi. Sau những phỏng vấn ngắn của vài nhà báo, nàng về bàn để ghi chữ
và ký kỷ niệm cho khách tham dự muốn có tác phẩm của nàng. Nam vì ngồi ở
những hàng ghế sau, anh đứng vào gần chót cùng vài người khách khác. Anh
chủ tâm như vậy để có thêm thời giờ ngắm nhìn nàng và nghe những đối thoại ngắn
nàng trao đổi cùng thân hữu và những người mến mộ.
Ðến khi anh
tiến tới trước bàn của người yêu xưa, phía sau anh chỉ còn ba bốn người khách
cũng đang chờ nàng ký tên vào tập sách. Như một phản ứng đã quen thuộc,
nàng chưa nhìn anh khi cầm cuốn sách từ tay anh, biên nhanh hai chữ “Bản
của ...” rồi nàng mới ngước lên với nụ cười thân hữu. Nam đọc chậm để
nàng viết tên mình trên một trang trong của đầu tập sách “tôi tên Lê Văn
Nam”. Quỳnh Dung mở sáng đôi mắt còn nét đẹp:
- Trời ơi anh Nam! Sao
anh đến mà không cho em biết, bất ngờ quá!
Nàng im lặng ngẩn người nhìn anh,
rồi như cố lấy lại tự nhiên, nàng nói:
- Ðể em đề tặng anh một ấn bản
đặc biệt.
Nàng đặt cuốn truyện đã biên dở
dang hai chữ, lấy một ấn bản quý bìa đẹp từ phía dưới bàn, chuẩn bị viết, xong
lại thôi:
- Em muốn gặp anh nói chuyện
lâu, lúc đó đưa sách tặng anh sau. Anh chờ em một chút nhé. Em cũng
sắp xong rồi.
Nam thấy nếu truyện trò lâu khi còn vài người phía sau anh chờ đợi
không tiện, anh nói với nàng:
- Dung cứ tiện nhiên thong
thả, tiếp bạn bè và độc giả ái mộ. Anh có nhiều thời giờ. Anh chờ
Dung ở phía cuối phòng. Khi Dung xong mọi việc, mình sẽ hàn huyên.
Một vài đôi mắt tò mò nhìn
anh. Khách tham dự còn lưu luyến ở lại nói chuyện với Quỳnh Dung khi nàng
đã ký tên kỷ niệm một ấn bản chót. Nam thấy rõ nàng nóng lòng chờ đợi để
từ biệt những người bạn lưu lại sau cùng, rồi nàng đến bên anh rất ân cần:
- Gặp anh em mừng quá.
Qua bạn bè nói anh chị ở San Jose. Mà chị Hằng đâu, em muốn gặp chị nữa.
Một ngạc nhiên đến với Nam. Anh
không ngờ nàng biết anh ở thành phố ấy. Biết anh, biết cả tên vợ anh.
Biết mà không hề liên lạc. Cũng như anh. “Vẫn hằng theo dõi bước
nhau đi”. Anh chỉ biết nàng còn độc thân. Nhìn nàng với ánh mắt
thân tình, anh nói:
- Anh họp nghề nghiệp có hai
ngày, nên Hằng không đi cùng với anh. Anh muốn đi kỳ này để xem Dung ra mắt
sách, gặp lại Dung và mừng Dung đã mau chóng thành công. Anh và nhiều độc
giả thích đọc truyện của em.
Quỳnh Dung lộ nét vui. Nam
thấy nàng vẫn đẹp, vẫn nồng hậu, vẫn quyến rũ. Nhìn nàng, anh nói:
- Anh thích màu áo dài của
em. Thấy áo dài là thấy nhớ Việt Nam, nhớ Sàigòn của mình. Anh muốn
hàn huyên lâu cùng Dung. Anh ở xa lại, không biết nhiều chỗ tại Orange
County này. Anh đang ngụ tại Hyatt Regency cũng gần đây. Mời Dung
chiều nay dùng cơm tối tại nhà hàng của khách sạn nơi anh đang ở, mình nói chuyện,
có thuận tiện cho Dung không?
Quỳnh Dung nắm tay anh, nhìn anh
nàng nói thân mật:
- Anh vẫn còn hay khen phụ nữ.
Nhưng bây giờ em không để anh dụ ngọt như hồi mình đi Vũng Tàu hay Ðà Lạt đâu.
Nàng cười nói tiếp:
- Từ thành phố xa tới, anh
là khách. Em mời anh, chừng bảy giờ tối nay lại nhà em ở Irvine, mình dùng cơm
tối, cho thân tình và nói chuyện lâu được.
Nam nhận lời. Quỳnh Dung cho anh địa chỉ và điện thoại nhà. Anh không biết là Quỳnh Dung vì thân anh hay vì Mỹ hóa, nàng ôm anh khi tạm biệt. Cái “hug” rất Tây phương. Mọi khi Nam vì không quen, anh hay ngại ngùng khi ôm người đồng hương khác phái tại đất Mỹ này. Nhưng với nàng thì rất khác. Hương tóc người xưa, thân thể của nàng, một thời vọng nhớ, một thời yêu đương cho anh dạt dào những tình cảm khó diễn tả trong lòng.
BIÊN GIỚI CUỘC TÌNH ÐÃ XA
Nam tìm nhà không khó. Căn
nhà của Quỳnh Dung còn mới, mái ngói đỏ, một tầng, trong khu yên tĩnh. Ðón
anh nơi cửa, nàng tươi mát với y phục gọn và trang nhã. Chiếc áo lụa màu
gạch tươi, tôn bộ ngực còn đầy nét kiêu hãnh dù nàng ở tuổi 40. Chiếc váy đen
ngắn ngang gối. Ðôi sandales kiểu đẹp, cao vừa phải cho nàng dáng gọn
gàng, tự nhiên không kiểu cách. Trang trí trong nhà khéo, cho Nam biết
nàng có cuộc sống đầy đủ.
Vào cuối thu, giờ này buổi tối Cali mới hơi lạnh, nhưng nàng đã để
lò sưởi trong căn phòng gia đình. Ngọn lửa reo nhẹ, gây không khí ấm cúng.
Nàng mời anh dùng cơm tối tại phòng ăn. Ánh đèn để dịu, hai ngọn nến trên
bàn. Nàng nói:
- Hôm
nay em làm mấy món ngày xưa anh vẫn ưa.
Nàng cho dùng món ốc đặt trong hai đĩa sứ đặc biệt, làm theo kiểu
Escargot bỏ lò tại mấy nhà hàng Pháp. Rồi món soupe fromage. Món thịt bò
nướng lò và rau salade cresson. Tráng miệng có trái dâu như dâu Ðà Lạt,
dùng với cà rem.
Vừa thưởng thức món tráng miệng,
Quỳnh Dung vừa nói:
- Ít thời giờ, em không làm
được món Omelette Norvégienne ngày trước anh và em hay dùng tại một nhà hàng ở
Sàigòn.
Anh khen nàng:
- Dung
của anh vẫn giỏi như ngày xưa. Chỉ vài ba giờ đã làm xong một bữa ăn đặc sắc.
Nàng khiêm tốn:
- Cả ba món đều bỏ lò nên dễ
làm anh ạ. Em chuẩn bị trước khi anh tới cho vừa đủ chín, khi dùng tới
món nào em chỉ cho để thật nóng trong Oven ít phút là xong. Món salade
thì em làm trước.
Khi chai rượu đỏ Cabernet đã vơi gần
một nửa, Quỳnh Dung tâm sự chuyện mình:
- Lúc Sàigòn đổi chủ, chồng
em lại mới qua đời, em cũng vất vả, đi dạy học cho qua ngày để sinh sống.
Cháu Thịnh, con em và anh Hưng, vượt biên qua Mỹ cùng gia đình chú bác và ông
bà Nội vài năm sau. Năm 86, gia đình bên nội cháu bảo lãnh em qua bên
này. Em vừa làm việc, vừa học. Học xong, em nhận việc làm phụ tá quản
thủ một thư viện tại đây. Em yêu thích công việc đang làm, có dịp đọc
sách báo và nhiều tác phẩm mới cũ, khi rảnh thì viết lách, tài liệu thật là nhiều
và tiện lợi tra cứu. Không như khi xưa, lúc học Văn Khoa tìm một quyển
sách quý để đọc đôi khi rất khó. Cháu Thịnh cũng sắp học xong Ðại học tại
Boston, cháu có ý muốn theo cùng nghề của anh. Lúc còn học trung học,
cháu khi ở với Nội, khi thì đến em. Bây giờ học ở xa, mùa Hè nào cháu
cũng về đây với em. Cháu mới về lại Boston, chuẩn bị cho niên học mới.
Dung rót thêm rượu vào ly của
Nam. Anh hỏi nàng:
- Còn chuyện tình cảm em ra
sao?
- Em vẫn ở độc thân.
Có vài người có cảm tình, cả Việt cả Mỹ, ngỏ ý muốn cùng em lập cuộc đời, nơi
xa quê hương này. Nhưng em quen sống độc thân rồi anh Nam ạ. Lúc nhỏ
một nhà tướng số nói em cao số. Anh thấy không, chỉ là người yêu chưa cưới
của anh Hưng thôi, anh Hưng đã mất. Lấy chồng phi công, chồng tử nạn. Nếu
anh ngày trước lập gia đình với em, chưa biết ra sao đó. Anh có tin tướng
số không, em không muốn tin mà vẫn phải tin.
Nam đáp lời nàng:
- Anh không tin tướng số qua
những ông thầy nói. Nhưng anh tin rằng mỗi người có một số mệnh, một định
mệnh an bài.
Anh kể qua chuyện mình, chuyện gia đình, những may mắn khi có dịp
di tản sớm cuối tháng tư năm 75.
Sau bữa ăn ngon miệng và vui, cùng
ôn những kỷ niệm cũ, nàng mời anh ra ngồi trên chiếc ghế sofa nơi phòng gia
đình, vừa chuyện trò, vừa uống tiếp chai rượu chát. Không khí thân mật
bên chiếc lò sưởi, ánh lửa bập bùng. Nàng cho thêm củi đốt. Mùi gỗ
thơm, thỉnh thoảng có những tiếng lách tách của những thớ gỗ mới khi bén lửa.
Nam ngồi gần bên, choàng tay qua vai nàng, cử chỉ thân mật như những ngày đã
xa. Ôn lại chuyện yêu thương ngày trước, anh nhìn nàng:
- Anh nghĩ hạnh phúc nhất ở
đời là tình yêu. Có tình yêu, được sống bên người mình yêu thương là một
diễm phúc. Chắc em có đọc, văn hào Leon Tolstoi lúc cuối cuộc đời, còn đi
tìm ý nghĩa của cuộc sống, ông viết một truyện ngụ ý nói tình yêu là quan trọng
hơn cả, ý nghĩa hơn cả (2). Anh không biết rõ ông muốn nói tình yêu nào,
tình yêu đồng loại, tình yêu thiên nhiên, tình yêu gia đình, tình bạn ...
Nhưng anh nghĩ hẳn là phải có tình yêu nam nữ.
Ngừng một chút, anh hỏi nàng:
- Ngày ấy sao em không nhận
lời lập gia đình cùng anh, bất chấp mọi dư luận, để mình mãi bên nhau?
Quỳnh Dung chớp mắt:
- Lúc xưa khi mình chia tay,
em đã nói nhiều cùng anh rồi, anh nhớ không. Ðời em dang dở, đã một con,
không xứng đáng với anh và với gia đình anh. Có thể thời gian đó em còn
mang nặng quan niệm của xã hội Việt Nam mình. Còn một điều nữa bây giờ em
mới nói với anh. Ngày ấy, em không hiểu sao mẹ anh biết rất rõ quan hệ
tình cảm của chúng mình. Mẹ anh viết cho em hai lá thư, thư chót có một
câu em còn nhớ “… tôi xin cô, cô hãy buông tha con tôi, tôi chỉ còn có Nam
là con trai, anh nó đã sống như vợ chồng với một cô gái bán Bar không ra gì, có
ba con rồi, coi như bỏ đi ...”. Em dấu anh, không cho anh biết
chuyện này, sợ anh oán trách mẹ. Rồi một lần Cụ tìm gặp em, Cụ khóc.
Em thấy nếu em về cùng anh, không chắc có đem hạnh phúc trọn vẹn cho anh.
Em mong anh hiểu và không buồn nhiều.
Nam nhớ tới chuyện người anh, đã
làm mẹ anh buồn phiền không ít. Anh ôm nàng:
- Nhưng bây giờ, kiểm xét lại
em nghĩ gì về quyết định ngày xưa của mình?
- Em có chút tiếc nuối, đáng
lẽ em có thể nghe theo lời anh, đáp ứng tình anh. Em nghĩ ngày ấy anh nói
đúng, lẽ ra mình phải sống cho mình. Dư luận không đáng kể. Không
nên sống vì người khác, không nên sống vì dư luận.
Nàng nép vào anh:
- Chỉ có một điều làm em thấy
an ủi. Em cao số, lấy anh có thể bây giờ anh đã chết rồi.
Nam ôm nàng nhiều hơn, nói một
cách trào phúng như phỏng theo lời ca một nhạc bản:
- “Anh không chết đâu em”.
Rồi anh hôn nàng. Quỳnh Dung đáp ứng. Những nụ hôn say sưa,
kéo dài và ngọt như của những ngày đã xa bừng sống lại. Anh luồn tay vào
trong làn áo lụa của nàng. Anh không rõ Quỳnh Dung vì ở nhà muốn thoải
mái, hay hôm nay do chủ tâm, nàng không mang dây nịt nơi ngực. Làn da người yêu
cũ vẫn còn mời gọi, mịn màng, cho anh nhiều rung động. Anh nhận được những chuyển
động nơi cơ thể nàng. Rồi Nam đổi hướng, đưa tay di chuyển trên đôi chân thon
dài trước kia đã khiêu vũ nhiều lần cùng anh trong những phòng trà. Tự Do,
Queen Bee, Maxim, Baccara, Mỹ Phụng... Khung trời Sàigòn. Một thời hoa
niên. Một trời kỷ niệm... Bàn tay anh thoa nhẹ trên da nàng, rồi từ tốn
hướng về phía trên đầu gối, mặt trong một bên đùi Quỳnh Dung. Anh thì thầm:
- Mình vào
phòng của em nhé.
Nhưng anh thật ngạc nhiên và hụt hẫng.
Quỳnh Dung dùng tay nàng cản ngăn sự chinh phục của anh. Nàng chặn giữ
bàn tay anh lại, ngưng hôn anh, vẫn thân ái nhìn anh vài giây rồi mới nói nhẹ
nhàng:
- Anh Nam, hôm nay như vậy
mình đủ trả nỗi nhớ cho nhau rồi. Yêu nhau, mình giữ nhau đừng đi quá xa,
đừng làm điều đáng trách, anh và em sẽ phải ân hận về sau.
Ngưng một chút nàng mới tiếp:
- Em có lòng mến chị Hằng.
Tuy không tiếp xúc với chị lần nào, nhưng lúc ở Sàigòn do bạn bè chỉ, em có thấy
chị vài lần trên đường phố. Em thấy chị hiền và dễ thương. Em không
muốn làm chị ấy đau khổ. Khi trước em đã không muốn làm mẹ anh buồn phiền.
Bây giờ, nếu anh ngoại tình, nỗi đau của chị Hằng còn lớn hơn nhiều so với nỗi
buồn của mẹ anh. Em nhớ mãi một câu anh nói khi mình chia tay “Chỉ khi
mình làm gì sai trái mới ân hận”. Luân lý nơi nào, hay tôn giáo nào thì
ngoại tình cũng là một sai trái, cho anh và cho em, là làm khổ vợ anh và không
biết chuyện gia đình anh sẽ ra thế nào sau này. Em không muốn làm tổn hại
hạnh phúc gia đình anh. Mình nên ngưng ở đây anh Nam.
Nam không biết nói sao. Nàng
đã biết kiềm giữ và nàng có lý. Giọng nàng thân mật mà lại như dẫn dụ,
như khuyên răn, nhẹ nhàng nhưng không kém phần quyết định. Lời Quỳnh Dung
nói bỗng nhiên làm những hứng khởi đang bồng bột của anh ngừng lại. Anh nghĩ,
có thể biện bạch bằng lý lẽ thiên vị cho mình, cộng thêm những cảm tình yêu
thương sẵn có giữa anh và nàng, con đường dẫn anh vào chuyện ngoại tình có thể
vẫn còn lối mở, vẫn còn hướng đi. Nhưng chính Nam cũng không hiểu tại
sao, anh ngồi ngay ngắn lại. Rồi anh chỉ đôi lúc cầm tay nàng, và thân mật
nói chuyện thêm cho đến nửa khuya.
Khi từ biệt, Quỳnh Dung tiễn anh tới
cửa, nàng chợt dừng lại, nắm lấy tay anh. Anh nghĩ nàng còn lưu luyến hay
đổi ý. Nhưng nàng nói:
- Em quên chưa tặng anh cuốn
truyện mới in.
Nàng vào lấy một ấn bản đặc biệt,
ghi tặng Nam, đề ngày và ký tên bên dưới những dòng chữ: Thân tặng anh
Nam, “kỷ niệm” ngày ra mắt tập truyện này. Anh thấy nàng ghi hai chữ kỷ niệm
trong ngoặc kép.
Tới cửa, anh ôm Quỳnh Dung, hôn nàng một lần nữa. Nam không dám chắc
với lòng mình, đây có phải là chiếc hôn cuối cùng giữa anh và nàng không.
Lần từ giã nhau ở Mỹ Tho khi trước, đã tưởng là nụ hôn chót. Lần này cũng
làm anh nôn nao, xao xuyến như năm xưa. Anh nói với nàng như một hứa hẹn
thật lòng:
- Khi nào Dung phát hành tập
truyện thứ năm, anh sẽ lại đến tham dự ngày ra mắt sách.
Nàng nói với anh:
- Và anh nhớ mời chị cùng
đi.
Nam ra xe, mở động cơ, rồi hạ thấp
một bên kính. Anh khoa nhẹ tay chào Quỳnh Dung. Ðêm Cali lúc đó đã
hơi lạnh. Nàng trong chiếc áo mỏng vẫn đứng trước cổng nhà nhìn theo.
Anh tự hỏi, tưởng tượng, nếu mình tắt máy xe, rồi quay trở lại vào nhà nàng,
câu chuyện có thể đổi khác hay không, như một cảnh cuối của một phim tình cảm
trên màn ảnh mà một số khán giả thường hồi hộp vào đoạn kết. Nhưng anh
không làm như vậy.
HẠNH PHÚC VẪN BÌNH YÊN
Xe lăn bánh. Nam về thẳng khách sạn
dự định đọc ít trang cuốn tiểu thuyết nàng mới cho. Nhưng rồi không biết
nghĩ sao, anh thu xếp nhanh hành trang của mình rồi xuống lầu dưới, trả phòng
khách sạn. Anh lên xe lái đoạn đường xa, giữa đêm khuya về nhà. Ðường
trường, có lúc anh hướng giòng tư tưởng về người tình cũ. Dù đã một thời
quen thân với Quỳnh Dung, giờ đây anh vẫn còn chưa rõ, chưa hoàn toàn hiểu
nàng. Mỗi con người là một đơn vị rất đặc biệt, có ai hiểu ai trọn vẹn
đâu. Ai có thể đi sâu vào cõi tâm linh của người khác, dù là người thân.
Nhưng Nam vẫn suy nghĩ, vẫn phân tích. Quỳnh Dung là một cô gái mới, rất
mới đối với thế hệ nàng. Tâm hồn lãng mạn phóng khoáng nhưng không sống
quá buông thả. Anh gần như biết chắc chỉ có Hưng và anh là hai người tình thực sự
của nàng trước khi nàng lấy chồng. Khi yêu thương, nàng thật là đằm thắm,
hiến dâng trọn vẹn cho người mình yêu. Nam đoán nghĩ là nàng đã từng rất
thân mật nơi bờ cát Cồn Dừa khi tắm sông cùng người yêu, bạn anh. Rồi
nàng cũng đã yêu Nam rất đam mê. Nhưng sau nàng đã quyết định lập gia
đình trước khi Nam lấy vợ để cho anh quên nàng đi, dễ tính chuyện đời mình, và
để không làm buồn phiền cho mẹ anh. Chỉ mới vài giờ trước đây, nàng đã có
đủ lý trí để tránh không đem buồn khổ cho vợ anh, ngăn giữ anh khi hai người đã
đi sát tới biên giới của ngoại tình. Phân tích, Nam nghĩ rằng tuy nàng lãng
mạn, phóng khoáng, đam mê, nhưng cũng nhiều lòng nhân ái và nhiều lý trí, nhiều
nghị lực hơn anh, để tránh được cám dỗ. Anh thầm nghĩ về những hành động
của con người. Nhiều khi giữa đúng và sai, tốt và xấu ... chỉ có một gạch
nối rất nhỏ, rất mỏng manh. Trong cuộc sống với nhiều nhận định, nhiều
xét đoán theo lý nhị nguyên của thế gian này, giữa thành thật và giả dối, trung
hậu hay phản bội, ngay thẳng hay gian trá, thiện tâm hay ác độc... nhiều khi chỉ
có những bước chuyển tiếp rất ngắn, chịu nhiều ảnh hưởng của thời gian, không
gian, hoàn cảnh, những cám dỗ và tâm lý cá nhân khi hành xử ... Lắm khi hành động
của con người ở một khoảng nào lưng chừng giữa hai đối cực của lưỡng nguyên
(3).
Xe đã đổ đầy nhiên liệu từ ngày
hôm qua. Ban đêm đường vắng, Nam lái với tốc độ khá nhanh. Hơn sáu
giờ sáng Chủ nhật anh đã về tới nhà. Trời vào cuối mùa Thu nên còn chưa
sáng rõ. Hằng mở cửa đón anh, giọng ngái ngủ nhưng vui mừng:
- Anh! Anh về sớm
vậy?
- Tại anh muốn về ngay.
Anh nhớ em.
Hằng ôm cổ anh, hôn nhẹ lên má:
- Xạo, anh nói xạo.
Nam nói với vợ:
- Em tiếp tục ngủ đi. Còn
sớm, Chủ nhật mà. Anh thay đồ rồi cũng cần đi nghỉ, anh lái xe suốt cả nửa
đêm.
Hằng ngoan ngoãn nghe lời chồng trở
vào phòng tiếp tục giấc ngủ. Nam tắm xong, anh đến nằm bên vợ. Anh
thấy một niềm vui, thoải mái được trở về với nơi chỗ quen thuộc của mình, ấm
cúng hơn chiếc giường nơi khách sạn. Hằng đang khép mắt ngủ tiếp, mặt
nàng hướng về phía anh. Chiếc áo ngủ bằng satin màu hồng của Hằng hơi lệch
sang một bên, lộ chiếc vai trắng và một phần phía trên ngực bên phải. Anh
vẫn yêu dáng nằm này của Hằng từ ngày mới cưới nàng vào đầu mùa Xuân năm ấy.
Anh quen Hằng trong dịp họp mặt sinh nhật của cô em họ. Lúc ấy Hằng đang
học năm chót tại một trường nữ trung học tại Thủ Ðô. Tình yêu nhanh chóng
đến với anh và Hằng rồi hai người thành hôn chỉ một thời gian ngắn sau lần đầu
gặp gỡ. Nam ngắm nhìn vợï ngủ. Anh thấy Hằng hiền và vẫn đẹp.
Nàng nhỏ hơn Quỳnh Dung hai tuổi. Anh muốn ôm vợ vào lòng nhưng rồi lại
thôi, để cho nàng ngủ tiếp. Nhưng anh nghĩ sai, Hằng chỉ khép mi, chưa ngủ
lại. Nàng nhẹ mở mắt hỏi Nam, giọng yêu thương:
- Anh
đi họp kỳ này có vui không?
-
Không vui vì không có em. “Ba ngày ... không có em”.
Anh trả lời nàng như vậy bằng cách
nói khẽ mà như hát theo câu “Những chiều ... không có em” của một
nhạc bản mà Hằng ngày xưa thích nghe anh hát lúc hai người mới thân nhau.
Hằng đưa tay nhéo nhẹ vào một bên má anh:
- Anh
lại xạo nữa. Ðàn ông các anh hay xạo lắm.
Nói xong nàng rúc đầu vào ngực chồng.
Nam thân ái ôm vợ, anh thì thầm:
- Anh hơi xạo một chút thật.
Gặp bạn bè phải có những chuyện vui, nhưng không có em cùng đi anh thấy không
an toàn, lái xe dễ lạc đường.
Có lẽ Hằng còn ngái ngủ hay đang
muốn đón nhận và tận hưởng cái hạnh phúc trong vòng tay chồng, nàng không để ý
gì đến những chữ bạn bè, an toàn, lạc đường của anh. Nam ôm Hằng vào gần
mình hơn ...
Hai vợ chồng anh chỉ tỉnh giấc khi tiếng động cơ xe của mấy người thợ làm khu vườn nhà anh rồ máy để ra về vào lúc gần trưa. Cả anh và Hằng có lẽ vì mệt, đã ngủ quên nên không có dịp chỉ cho mấy người chuyên săn sóc vườn tược những chỗ muốn làm cho bớt rậm rạp như đã dự định. Nhưng Nam thấy một niềm vui. Hôm nay khu vườn nhà anh chưa quang đãng như ý muốn, nhưng tâm hồn anh không bị vướng bận nhiều, không ân hận nhiều. Tiếng cười đùa của đứa con trai anh, mười lăm tuổi, đang chơi cùng mấy đứa bạn tại cái sân bóng rổ trong khu vườn rộng phía sau nhà vang vọng về, nghe hồn nhiên, vui nhộn. Rồi tiếng xe hơi con gái lớn của anh đang học mới năm đầu đại học tại San Francisco vừa về tới, thăm nhà để ăn cơm cùng với cha mẹ ngày chủ nhật như thường lệ. Anh thầm cảm ơn ... một người đã giúp anh dừng lại bên bờ cám dỗ để còn giữ được cái hạnh phúc vẫn bình yên của gia đình mặc dù mới ngày hôm qua anh đã trải qua những rạo rực, những lôi cuốn, những cảm xúc đam mê như của một thời nào đã xa, hơn hai mươi năm về trước.
TRẦN VĂN KHANG
(Trích trong tập Hai Bên Chiến Tuyến
(1) Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm vẳng tiếng chuông
chùa Hàn Sơn (Dịch Thơ Ðường, Khuyết Danh)
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung
thanh đáo khách thuyền (Ðường Thi, Trương Kế)
(2) “Ðại văn hào Leon Tolstoi đã sống suốt cuộc
đời với nội tâm khắc khoải, dằn vặt, ân hận, băn khoăn, chỉ vì không rõ ý nghĩa
cuộc sống của con người. Dầu đã 82 tuổi, văn hào cảm thấy vẫn còn những
ngày còn lại rất quý giá nên đã quyết định bỏ nhà ra đi để tìm cho được ý nghĩa
đích thực của đời người. Văn hào đã “tìm được” nó trong những ngày cuối của
cuộc đời trước khi chết thầm lặng tại một thị trấn nhỏ.
Ðiều văn hào tìm được ký thác
trong một truyện ngắn với tựa đề: “Người Ta Sống Bằng Gì” Cốt truyện có ba nhân
vật chính là bác thợ giày Simon với vợ là Matriona và một đứa trẻ tên là
Michel. Theo câu chuyện, Michel là một thiên thần bị Trời đày xuống trần
gian mà Simon đã nhặt được ở bên ngoài ngôi nhà nguyện. Trước khi Michel
bị đày, Trời đã bảo chàng: Ngươi sẽ hiểu trong con người có gì, con người không
được hưởng gì và cái gì làm sống con người.
Trong sáu năm sống trong nhà bác
thợ giày, Michel chỉ cười có ba lần. Mỗi lần chàng cười, vì chàng đã tìm
ra một ý nghĩa cho cuộc sống.
Nụ cười thứ
nhất của Michel, khi chàng hiểu trong con người có tình yêu.
Nụ cười thứ hai của Michel, khi
chàng thấy con người không tri thức được những nhu cầu thiết yếu của thân xác
mình.
Nụ cười thứ ba của Michel, khi
chàng nhận thức được người ta không sống vì những nhu cầu thể xác, mà sống vì
tình yêu.
Những ngày cuối đời còn lại, Tolstoi tìm dược ý nghĩa đời người là tình yêu, nhưng không biết Tolstoi có được “sống vì tình yêu” trong những ngày còn lại của đời mình?
(Trích tờ Ánh Sáng, the Light, số 483 ngày 6 tháng 1 năm 2002.
Tác giả: Mục sư Phan Thanh Bình)
(3) Dualism (Dualité)
Cám ơn Tác giả và trang nhà NPN - Hôm nay chúa nhật rộng thì giờ và được đọc câu chuyện rất hay -Chúc Tác giả và trang Người Phương Nam luôn khỏe , vui và tiếp tục đăng tải nhiều bài viết hay phục vụ độc giả - Long Hương Melbourne
ReplyDelete
ReplyDeleteMột truyện tình tiểu tư sản rặc mùi ẩm ớ dành cho những cô cấu dư ăn dư mặc , thiếu ý chị đấu tranh cho tha nhân
Xin thưa HPVBY là một truyện ngắn tâm lý, tình cảm. Không có chủ đích đấu tranh cho tha nhân.
DeleteTheo thiển ý, một số rất lớn quần chúng VN thuộc thành phần tiểu tư sản. Nếu tiểu tư sản có tài sáng tạo văn học được như Quang Dũng, Hữu Loan, Văn Cao và nhiều tác giả khác thì đáng ngưỡng mộ.hơn là chê trách.
Cám ơn tác giả : Một chuyện hay , tuy nhiên :
ReplyDelete1 - Ngan dừa ( không Ngang dừa )
2 - M 79 là vũ khí của VNCH ( diều nầy gây khó hiểu )
Đa tạ Bạn đã đọc truyện ngắn HPVBY.
Delete1. "Ngan Dừa" và "Ngang Dừa". Thưa có lẽ do cách phát âm của người gốc Miền Nam và người gốc Miền Bắc.
2. Khoảng 1970, tại Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ, toán giải phẫu có mổ thành công cho một quân nhân VNCH bị 1 viên đạn M 79 bắn vào người, không nổ, do VC tấn công. Có thể VC đã thâu được súng M 79 của bên VNCH trong một trận đánh nào đó. Đạn M 79 phải quay đủ vòng mới nổ.